Hoàng Su Phì rộn ràng mùa thu hoạch thảo quả

Hoàng Su Phì rộn ràng mùa thu hoạch thảo quả
Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thu mua Thảo quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì năm nay tăng cao so với mọi năm. Cụ thể, giá Thảo quả tươi được các cơ sở thu mua từ 60 – 65 nghìn đồng/kg, Thảo quả khô trên 400 nghìn đồng/kg. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng Thảo quả.
hoang su phi ron rang mua thu hoach thao qua hinh anh 1

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra diện tích Thảo quả của gia đình anh Lò Văn Sinh (giữa), thôn Sơn Thành Thượng, xã Nậm Khòa.

Hiện, toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 2.100 ha cây Thảo quả; trong đó,  có trên 1.270 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã: Hồ Thầu, Nậm Ty, Nậm Khòa, Túng Sán, Tả Sử Choóng... Những năm qua, cây Thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, với giá bán ra thị trường luôn ổn định; mỗi vụ, Thảo quả mang về thu nhập tương đối lớn cho nhiều gia đình. Điển hình như gia đình anh Lò Văn Sinh, thôn Sơn Thành Thượng (Nậm Khòa) là một trong những hộ có diện tích Thảo quả lớn nhất của xã với gần 40 ha.

Anh Sinh cho biết: Hiện nay, gia đình anh có gần 20 ha Thảo quả đang cho thu hoạch, còn hơn 20 ha đang trong thời kỳ chăm sóc, sang năm là có thể cho thu hoạch. Vụ này, anh ước tính sẽ thu từ 4 - 5 tấn Thảo quả tươi; với giá bán như hiện nay, trừ chi phí gia đình anh sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ tiền bán Thảo quả.Không chỉ riêng gia đình anh Sinh vui vì giá Thảo quả năm nay tăng cao, mà còn rất nhiều hộ trong huyện cũng đang nô nức vào rừng thu hái vụ Thảo quả mới.

Anh Đặng Lao Thành, chủ một cơ sở thu mua Thảo quả ở thôn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty, chia sẻ: Mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua từ 5 - 6 tạ với giá trung bình từ 60 - 65 nghìn đồng/kg Thảo quả tươi. Thảo quả sau thu mua sẽ được sấy khô từ 2 – 3 ngày, sau đó bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua với giá hơn 400 nghìn đồng/kg Thảo quả khô. So với mọi năm, giá Thảo quả năm nay cao hơn nên người trồng Thảo quả sẽ có thu nhập cao.

Mặc dù giá thu mua Thảo quả năm nay tăng cao, tuy nhiên theo phản ánh của một số hộ dân cho biết, nhiều diện tích Thảo quả chỉ tốt cây chứ không có nhiều quả, quả cứ to bằng đầu đũa là rụng, năng suất giảm hơn so với các năm trước...

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hiện nay, việc trồng, chăm sóc cây Thảo quả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân; quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Thảo quả hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và điều kiện khí hậu; việc đưa KHKT vào canh tác còn hạn chế. Ngoài ra, đa phần các diện tích Thảo quả thường được trồng sâu trong những cánh rừng, có địa hình phức tạp nên cây Thảo quả không được chăm sóc thường xuyên... Điều này dẫn đến năng suất, sản lượng của cây Thảo quả có năm cho sai quả, có năm mất mùa.

Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện, cho biết: Đợt rét đậm, rét hại vào cuối năm 2015 đầu năm 2016 đã khiến hơn 1.600 ha Thảo quả của người dân bị thiệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều diện tích Thảo quả đã phục hồi và bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng quả năm nay chỉ đạt từ 60 – 70% so với các năm trước, ước đạt trên 600 tấn quả tươi...

Đối với những diện tích cho năng suất, sản lượng thấp, phòng sẽ phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách tỉa đối với khóm cây thảo quả; đối với cây già hoặc đối với những cây non nhỏ, khả năng không cho quả trong năm sau thì hướng dẫn bà con tỉa sát gốc, để giảm bớt sâu bệnh hại cũng như là nấm cho cây Thảo quả. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con nông dân nên dùng thêm phân bón để cây Thảo quả tích lũy đủ dinh dưỡng và cho năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng Thảo quả.

Theo Tiến Lâm (Báo Hà Giang)