Hồi sinh vùng đất chết, bỏ túi 2 tỷ đồng/năm nhờ trái cam
- Thứ năm - 03/08/2017 04:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ hai bàn tay trắng, ông mạnh dạn nhận khoán đất rừng, đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng cam, quýt. Đến nay trang trại của ông không những cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm mà còn giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.
Người khuất phục vùng đất chết....
Con đường trở thành một tỷ phú nông dân và giờ là nông dân Việt Nam của ông Thống thật truân chuyên. Ông Thống sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), đây là vùng quê thuần nông nghèo khó, dân thường ví vùng đất này là “vùng đất chết”. Đại đa số người dân sinh sống nơi đây là người dân tộc thiểu số.
Cũng như bao người con của quê hương, năm 1975, theo tiếng gọi của tổ quốc, ông lên đường tòng quân và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ cao cả, ông Thống xuất ngũ về quê hương và lập gia đình.
Sau khi có chủ trương của nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ trương giao đất giao rừng cho hộ nông dân quản lý, năm 1992, ông Thống đã mạnh dạn cùng vợ con nhận khoán 11ha đất trống đồi trọc để trồng rừng và cải tạo 3ha mặt nước để nuôi cá. Những năm đầu làm kinh tế, thu nhập từ ao cá không đáng là bao, mỗi năm khoảng 10 triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình và trả lãi cho ngân hàng.
Ông Thống không chịu khuất phục số phận, không chịu khuất phục “vùng đất chết” ấy. Năm 2005 trong một lần vào thăm bà con ở tỉnh Đồng Nai, ông thấy người dân nơi đây nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, ông mạnh dạn đề xuất và được Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho phép xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp. Để có vốn xây dựng trang trại, ông quyết định bán đồi keo và vay thêm của ngân hàng nông nghiệp 1 tỷ đồng.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm về chăn nuôi lợn nên hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình ông chưa cao. Tuy nhiên sau khi đi tham quan và học hỏi từ các mô hình tại nhiều địa phương, ông đã áp dụng thành công và hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan. Đến nay, trong trang trại 1.200m2 của ông luôn duy trì từ 300 – 500 con lợn thịt, 100 con lợn nái và 3 con lợn đực giống. Mỗi năm tổng thu nhập từ trang trại lợn mang lại cho gia đình ông khoảng 5,6 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi 1,2 tỷ đồng.
Kết hợp mô hình VAC hiệu quả
Nói chuyện với chúng tôi, ông Trương Đình Thống nhẹ nhàng cho biết: “Trước đây, khi chưa có trang trại lợn, thu nhập từ ao cá còn hạn chế, khoảng 30 – 50 triệu đồng/năm. Nhưng sau khi có trang trại lợn, tận dụng được phân lợn để làm thức ăn cho cá, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 13 tấn cá thương phẩm các loại, cho thu nhập ổn định 160 triệu đồng...”.
Như cánh chim không mỏi, năm 2013, sau khi đi tham quan mô hình trồng quýt PQ1 của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, ông đã mạnh dạn cải tạo 5,5ha đất để trồng loại cây ăn quả có múi này. Do tận dụng được phân lợn để làm phân bón cho cây nên chi phí ban đầu của gia đình bỏ ra để đầu tư cũng giảm đi phần nào. Đến nay, sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn quýt PQ1 của gia đình ông luôn chi chít quả.
Ông Thống cho biết: Vụ thu hoạch năm 2016 mặc dù là vụ đầu tiên nhưng trừ đi các khoản chi phí, vườn quýt mang lại cho gia đình ông hơn 600 triệu đồng. Mặc dù đến nay thu nhập từ mô hình kinh tế kết hợp mang cho gia đình ông khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ông không thỏa mãn mà luôn học hỏi tìm tòi để đưa những giống cây, con có hiệu quả kinh tế vào trang trại của mình, đồng thời nhận thêm diên tích đất vườn đồi để tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện nay, ngoài những nguồn thu nhập từ trại lợn, ao cá, vườn quýt PQ1, ông còn trồng thêm bưởi hồng Quang Tiến, giống cam chín muộn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết...
Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, hiện nay, trang trại của ông đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/người/tháng và 50 lao động thời vụ khi đến mùa thu hoạch cá, quýt.
Để các hộ gia đình trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, ông Thống đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp con giống cho 5 mô hình kinh tế VAC. Đến nay, những mô hình này đã đi vào hoạt động và bước đầu cho hiệu quả kinh tế thiết thực.
Thủ lĩnh phong trào nông thôn mới
Năm 1998, ông Trương Đình Thống được chính quyền địa phương điều làm cán bộ xã với nhiệm vụ trưởng ban nông nghiệp. Trải qua nhiều năm công tác, năm 2010 ông được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Nghĩa Long. Trên cương vị công tác, ông cùng tập thể Đảng ủy và hệ thống chính trị của địa phương điều hành tốt mọi nhiệm vụ. Minh chứng là tháng 5.2015, xã Nghĩa Long là đơn vị đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nói về phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Thống là một trong những điển hình tiêu biểu của xã. Ngoài số tiền hơn 200 triệu đồng ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn, ông còn bỏ vốn xây dựng đường điện hạ thế, giúp 22 hộ dân được sử dụng điện.
Với những thành tích trên ông Trương Đình Thống đã được tỉnh Nghệ An đề cử và Hội đồng bình chọn Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 đại diện cho tỉnh Nghệ An.