Hơn 100 mô hình ứng dụng công nghệ cao áp dụng vào sản xuất
- Thứ năm - 11/01/2018 05:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Chương trình số 02-CTr/TU được thực hiện, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Nhiều địa phương người dân có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm,... đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm.
Sau hai năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ảnh tư liệu |
Đánh giá về tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017, Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU đã đưa ra những số liệu khá lạc quan bởi con số đạt được là 35.133 tỷ đồng, tăng 2,33% so với năm 2016 và ước đạt 43.110 tỷ đồng. Về cơ cấu giá trị sản xuất: trồng trọt, lâm nghiệp 44,40%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ 3,04%.
Về xây dựng huyện NTM, năm 2017, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay, TP đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, tăng 2 huyện so với năm 2016. Về số xã đạt chuẩn về xây dựng xã NTM, tính đến hết năm 2016, Hà Nội có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định TP đã tiến hành thẩm định 45 xã/14 huyện, thị xã trong đó có 39 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.
Đến hết năm 2017, các huyện, thị xã đã có 181/475 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 38%). Có 307/467 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 66%). Có 245/425 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 58%). Có 39/74 trường THPT đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 40%).
Thời gian qua, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương cấp 3 đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Mặc dù có nhiều thiên tai xảy ra, như nắng nóng kéo dài dẫn đến cháy rừng hay lũ lụt, tuy nhiên với chỉ đạo khắc phục các sự cố thiên tai một cách kịp thời từ Thành ủy và UBND TP, ngành nông nghiệp đã dần đi vào ổn định và tăng trưởng. Thời gian qua TP đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đã có hơn 100 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP đến nay đạt 25%, trong đó, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.
Bước sang năm 2018, Hà Nội vẫn bám sát Chương trình số 02-CTr/TU, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng xây dựng các vùng nông sản hàng hóa, chú trọng cây trồng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, hỗ trợ nguồn vốn cho những xã đạt chuẩn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; vấn đề xây dựng nhà máy giết mổ gia súc gia cầm; xử lý nước thải gây ô nhiễm…
TP sẽ tập trung quản lý tốt công tác tu bổ đê điều, hệ thống thủy lợi để ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường triển khai công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm một cách bền vững cho lao động nông thôn. Công tác cán bộ được coi là nền tảng quan trọng trong xây dựng NTM.
Theo Gia Bảo/phapluatxahoi.vn