Hợp tác xã thương mại dịch vụ chợ đầu tiên ở Ðồng Tháp

Hợp tác xã (HTX) thương mại, dịch vụ (TMDV) chợ Tràm Chim, huyện Tam Nông là HTX TMDV đầu tiên ở tỉnh Ðồng Tháp. Với kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan sau năm năm hoạt động, mô hình HTX này đã được nhiều liên minh HTX ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Chợ Tam Nông (Đồng Tháp) với các loại nông sản đa dạng. Ảnh: NAM QUÁCH

Hợp tác xã TMDV chợ Tràm Chim được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2009 với 57 thành viên tham gia, góp tổng số vốn ban đầu hơn 408 triệu đồng, các ngành nghề hoạt động chủ yếu là kinh doanh và khai thác dịch vụ trong phạm vi chợ; dịch vụ cho thuê dù che và giữ xe; dịch vụ cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm và dịch vụ hỗ trợ vốn cho xã viên. Nguồn lực chính để phát triển bước đầu là mặt bằng chợ Tràm Chim đã được đầu tư 6,9 tỷ đồng xây dựng đạt tiêu chuẩn chợ loại hai. Các công trình vệ sinh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, mái che, nhà lồng, ki-ốt, bãi giữ xe... đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh. Chủ nhiệm HTX TMDV chợ Tràm Chim Lương Văn Ỳ cho biết: "Mặc dù, HTX ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết nội bộ cộng với việc chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của UBND huyện và thị trấn, cùng sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Ðồng Tháp nên hoạt động của HTX đã có những bước tiến tích cực và phấn đấu hòa nhập với nền kinh tế thị trường đầy năng động và nhạy bén, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác chợ hiệu quả theo hướng văn minh, hiện đại, đúng tầm vóc của một trung tâm thương mại loại hai cấp huyện...".

 Sau năm năm hoạt động, HTX TMDV chợ Tràm Chim đã sắp xếp bố trí lại các nền bỏ trống, những quầy, sạp chưa có người đăng ký kinh doanh và tiến hành đầu tư xây mới các sạp di động, sửa chữa, nâng cấp khu chợ ẩm thực, xây các mái vòm trước sân chợ... Sau đó tiến hành cho các tiểu thương thuê mặt bằng, quầy, sạp buôn bán, kinh doanh theo hướng chợ văn minh, từng bước tiến lên hiện đại. HTX còn thực hiện các dịch vụ giữ xe, cho thuê dù, thu phí gom rác, bố trí mở rộng 300 m2 mặt bằng chợ đêm, lập mới chợ hoa cảnh với 65 nền và hỗ trợ cho hàng nghìn lượt xã viên và hộ tiểu thương vay vốn xoay vòng hàng tỷ đồng. Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại HTX TMDV chợ Tràm Chim đã thu hút nhiều khánh hàng đến tham quan mua sắm. Ðặc biệt, năm 2011, sau khi tiến hành công tác sắp xếp lại việc mua bán, kinh doanh ở chợ Tràm Chim, UBND huyện đã đầu tư xây dựng thêm một số quầy bán hàng để đáp ứng nhu cầu mua bán của các hộ tiểu thương. HTX TMDV chợ Tràm Chim đã đảm nhận bốn ki-ốt để tổ chức trưng bày và bán sản phẩm hàng Việt, nhất là số hàng hóa do địa phương sản xuất. Ðồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận một số hàng hóa tiêu dùng, vật dụng gia đình khác phục vụ người dân ở địa phương. Thời gian đầu, doanh số bán ra trung bình khoảng 15 đến 20 triệu đồng/tháng/quầy và doanh thu từng bước tăng dần qua hằng tháng. Trung bình mỗi ngày có từ 30 đến 50 lượt người đến các ki-ốt tham quan, mua hàng. Nổi bật, HTX đã ký hợp đồng với các cơ sở chế biến cá, rắn khô cung cấp dài hạn từ 80 đến 100 tấn/năm cho HTX và các mặt hàng nông sản, thực phẩm khác để HTX tìm thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao doanh thu. Cuối năm 2010, HTX đã ký hợp đồng dài hạn bán khô rắn và cá khô các loại cho siêu thị Ðồng Tháp, Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại tổng hợp TP Hồ Chí Minh...

Từ những hoạt động thiết thực và hiệu quả này, Phó Chủ nhiệm HTX TMDV chợ Tràm Chim Phan Văn Nỹ cho biết: Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô các ki-ốt thành cửa hàng tiện ích cung cấp đa dạng các sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phối hợp vận động và tổ chức xây dựng thêm nhiều cơ sở, quầy bán hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mở rộng thêm nhiều mặt hàng như trang trí nội thất, xây dựng nhà ở, các hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Ðặc biệt, phối hợp liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đưa hàng Việt chất lượng cao về tiêu thụ tại địa phương.

Năm 2013, HTX TMDV chợ Tràm Chim đã củng cố lại tổ chức, đáp ứng yêu cầu một số xã viên xin rút vốn nên HTX hiện còn 28 xã viên, với tổng vốn góp khoảng 300 triệu đồng, khoản nợ phải tiếp tục thu hơn 200 triệu đồng. HTX phấn đấu đạt tổng doanh thu hơn 2,28 tỷ đồng. Tuy bước đầu hoạt động hiệu quả, nhưng HTX vẫn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ. Chủ nhiệm HTX TMDV chợ Tràm Chim Lương Văn Ỳ kiến nghị: "Các cơ quan chức năng và các tổ chức tín dụng cần xem xét, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển, tiếp tục hỗ trợ mặt bằng cho HTX xây dựng trụ sở làm việc ổn định và cơ sở chế biến sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ kinh phí phát triển các sản phẩm đặc sản làng nghề nông thôn. Hỗ trợ HTX đẩy mạnh  công tác xúc tiến đầu tư, kinh doanh, thương mại trong và ngoài nước sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: "Khô cá lóc Tràm Chim", "Gạo Hồng hạc", "Gạo thơm nút"... Thông qua tổ chức Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kết nối HTX với nhà sản xuất trực tiếp để nhận và phân phối hàng hóa về địa bàn trưng bày, bán lẻ phục vụ nhu cầu xã viên, các hộ tiểu thương. Ðồng thời, HTX sẽ chuyển dịch vụ hỗ trợ vốn sang dịch vụ tín dụng nội bộ và mở rộng dịch vụ theo đúng luật định; đề ra kế hoạch và giải pháp tối ưu nhất trong công tác thu phí chợ nhằm giảm bớt nợ đọng của các hộ kinh doanh trong phạm vi quản lý; sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao, đem lại lợi nhuận cho xã viên... góp phần giúp HTX TMDV chợ Tràm Chim hoạt động đạt hiệu quả như phương án kinh doanh đã đề ra trong năm 2013 và những năm tiếp theo".

 

TRẦN TRỌNG TRUNG
theo nhandan