“Hùn” đất trồng cỏ xuất khẩu: Cơ hội đổi đời

Nông dân góp đất không phải lo lắng chuyện mất đất, được công ty nhận vào làm công nhân, được trả lương và được chia cổ tức…

Đó là mô hình tích tụ đất đai được đánh giá là liên kết bền vững, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt đang được áp dụng với vùng trồng cỏ hướng tới xuất khẩu trên vùng đất nghèo khó Vân Hồ (Sơn La).

t11.JPG
Bà Cho Ok Hyang, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi bò sữa Hàn Quốc cam kết thu mua sản phẩm cỏ ủ chua, cỏ khô với số lượng lớn. (Ảnh: Thanh Tâm)

Tiềm năng phát triển

Theo ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Theo thống kê, tính đến tháng 10/2018, với đàn bò và trâu hiện có (đàn bò khoảng 5,8 triệu con và đàn trâu 2,4 triệu con), thì cần ít nhất 15.000ha đồng cỏ chất lượng cao mới đáp ứng đủ thức ăn thô xanh. Tuy nhiên, nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi tại hầu hết các địa phương. Tại Sơn La, các hộ gia đình phải nhập khẩu cỏ khô từ Mỹ về để bổ sung nguồn thức ăn thô cho bò sữa, đảm bảo bò tăng trưởng ổn định cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Với thực trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm chăn nuôi, việc phát triển lĩnh vực trồng cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc được khuyến khích đầu tư nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời, trồng cỏ cũng là giải pháp chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả, chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và có chất lượng hơn”, Giám đốc Tăng Xuân Lưu nói.

Nắm bắt được nhu cầu này, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt hợp tác cùng Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bắc Giang đầu tư phát triển dự án trồng và chế biến cỏ chất lượng cao Mulato II dành cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi đại gia súc…,đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt, cho biết: “Việc hợp tác giữa hai bên sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 500ha tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn 2, chúng tôi tiếp tục phát triển đồng cỏ lên quy mô 5000ha hoặc lớn hơn nữa trên cơ sở quỹ đất của huyện Vân Hồ. Đồng thời, việc hợp tác sẽ có thêm sự tham gia của Hiệp hội Bò sữa, Hiệp hội Chăn nuôi Hàn Quốc để cùng xây dựng, phát triển thị trường xuất khẩu bền vững.Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến tới đầu tư tại huyện Vân Hồ nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp TMR, nhà máy sữa mang thương hiệu TRIVIE MILK nhằm mở rộng lĩnh vực và địa bàn hoạt động đầu tư tại khu vực phía Bắc”.

tr11a.JPG
Cỏ Mulato II được ủ chua và đóng gói thành phẩm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Tâm)

Bên cạnh dự án trồng cỏ Mulato 2 tại Sơn La, hiện tại, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt đã triển khai cánh đồng cỏ 50ha tại Bắc Bình Thuận, 500ha tại Nam Bình Thuận và sẽ tiếp tục hợp tác triển khai tiếp khoảng 3000ha tại khu vực Bắc Bình Thuận trong tháng 4/2019.

Hướng đến xuất khẩu

Đại diện Công ty Trí Việt cho biết, với đội ngũ chuyên gia chế biến thức ăn chăn nuôi, chuyên gia công nghệ và đối tác hiện có, Công ty đã có các sản phẩm chế biến từ cỏ chất lượng cao – Mulato II mang thương hiệu TRIVIE gồm: cỏ tươi, cỏ khô, cỏ ủ chua, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sinh sản, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò thịt vỗ béo, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sữa. 

Theo đại diện phát triển dự án trồng cỏ Mulato II: “Hiện tại, Hiệp hội Bò sữa – Hiệp hội Chăn nuôi – Hiệp hội Nông dân Hàn quốc đã ký hợp đồng nguyên tắc mua sản phẩm cỏ ủ chua, cỏ khô của Công ty với số lượng lớn, vì vậy, việc chúng tôi đầu tư phát triển đồng cỏ chăn nuôi chất lượng cao – MULATO II có tính khả thi cao và được thị trường quốc tế đón nhận”.

Bà Cho Ok Hyang, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi bò sữa Hàn Quốc, cho hay, Hiệp hội đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt, sẽ thu mua sản phẩm cỏ ủ chua, cỏ khô của công ty với số lượng lớn, đưa sang Hàn Quốc để làm thức ăn cho chăn nuôi bò sữa. “Tôi hy vọng sẽ có sự hợp tác thân thiện giữa TriVieCo và Hiệp hội Bò sữa Hàn Quốc để có nguồn thức ăn chất lượng cao cho bò. Trong thời gian tới, ngoài việc thu mua các sản phẩm cỏ Mulato II chế biến từ Việt Nam để cung cấp cho chăn nuôi bò ở Hàn Quốc, chúng tôi  sẽ hợp tác với Công ty Trí Việt tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu cỏ chế biến sang Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Trung Đông, châu Âu…”, bà Cho Ok Hyang chia sẻ.

Mulato II được các nhà khoa học đánh giá là loại cỏ tươi hàng đầu trong chăn nuôi. Sau trồng khoảng 60 - 70 ngày, cỏ mulato II có thể cho thu hoạch lứa đầu nếu gieo bằng hạt và 45 – 50 ngày nếu trồng bằng hom. Đồng thời, cỏ mulato II cho sản lượng 200 - 250 tấn/ha/năm, hàm lượng chất khô 19 - 22% và protein  14 - 16%, cao hơn nhiều so với các loại cỏ như VA06, cỏ voi…, thích hợp để làm nguồn thức ăn cho bò sữa, đặc biệt là bò giai đoạn vắt sữa.

tr11b.JPG
Các đối tác rất quan tâm đến sản phẩm cỏ đóng gói. (Ảnh: Thanh Tâm)

Được biết, giống cỏ trồng tại dự án do Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Trí Việt và Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bắc Giang được nhập khẩu từ nước ngoài, bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, vi sinh, hệ thống tưới bằng nước sạch, hiện đại, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và tiến tới sản xuất cỏ chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Việc thu hoạch, chế biến cỏ được thực hiện bằng hệ thống máy thu hoạch liên hợp của Hà Lan, giúp cho việc thu hoạch và ủ men được thực hiện ngay trên cánh đồng; việc sản xuất cỏ khô được xử lý bằng năng lượng mặt trời (phơi) và sấy nhiệt bằng hệ thống sấy do chuyên gia sản xuất riêng theo đơn đặt hàng của Công ty.

Tạo sinh kế bền vững cho nông dân

Ông Đào Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ, cho biết, tỉnh Sơn La có kế hoạch chuyển đổi hơn 5.000ha đất trồng lúa, trồng sắn tại huyện Vân Hồ sang cho dự án trồng cỏ. Trong đó, riêng xã Xuân Nha có khoảng 3.000ha. Phương thức tập trung đất trồng cỏ là, bà con nông dân góp vốn bằng đất canh tác, HTX sẽ làm đầu mối đại diện cho nông dân ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Người góp đất, ngoài việc được chia cổ tức, còn được làm “công nhân” trồng cỏ, được trả lương theo sản phẩm.

“Hiện, trong vùng, nông dân trồng lúa, trồng sắn chỉ đạt thu nhập bình quân 8 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi và doanh nghiệp đã thống nhất sẽ tạo cho bà con đạt được thu nhập cao gấp nhiều lần mức này”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, hiện quỹ đất địa phương còn rất nhiều, nhưng mỗi  thửa chỉ khoảng 50-100ha, tổng hợp lại diện tích 3.000 - 4.000ha thì tại đây đã có. Với phương thức của HTX nông nghiệp là bà con nông dân góp đất sẽ được chia cổ tức, để làm sao gấp nhiều lần so với cây lúa, cây sắn và ai góp đất thì được vào làm công nhân trong HTX, được hưởng lương theo mức an sinh xã hội của vùng này.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với đại diện công ty và đưa mức thỏa thuận đối với lao động 18 - 35 tuổi sẽ có thu nhập khoảng 3-3,2 triệu đồng/người/tháng và mua bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy, một phép tính đơn giản cũng nhẩm được, 1 năm thay vì chỉ có 8 triệu đồng/ha, nay bà con có thu nhập  36 - 40 triệu đồng/ha/năm từ việc trồng cỏ ngay tại đồng đất của mình. Tiêu chí này đã được đưa ra bàn họp nhiều lần ở xã và bà con hầu như đồng thuận với hơn 90%. Riêng tại xã Xuân Nha, có khoảng 5.000 dân tham gia trồng cỏ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lưu cũng cho rằng, các doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở nước ta đã trồng cỏ từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu với mục đích tự cung cấp thức ăn cho chăn nuôi bò tại trang trại, gia trại. Đây là lần đầu tiên có dự án trồng cỏ quy mô lớn để thương mại, chế biến và bán cỏ ra thị trường

Theo ông Lưu,  ở Việt Nam, chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả thực hiện  chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Dự án trồng cỏ chất lượng cao Mulato II- giai đoạn 1 này khởi công và có được sự đồng thuận cao là bước ngoặt để từng bước thay đổi và tạo sinh kế bền vững, tạo điều kiện cho người dân địa phương có cơ hội “đổi đời”.

“Chỉ trên cơ sở tích tụ và tập trung đất nông nghiệp trên nền tảng một tư duy thị trường đúng đắn và thực thi chính sách hạn điền linh hoạt cùng với sự ưu đãi đủ mức độ hấp dẫn của Nhà nước về thuế, tín dụng thì mới tạo được đột phá mới trong liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, HTX để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch”, Giám đốc Tăng Xuân Lưu nhấn mạnh.

 Thanh Tâm/kinhtenongthon.com.vn