Huy động 1.650 tỷ mở lối thoát nghèo cho vùng núi Phước Sơn

Huy động 1.650 tỷ mở lối thoát nghèo cho vùng núi Phước Sơn
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) là huyện có xuất phát điểm thấp do địa hình phức tạp, giao thông cách trở, đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa, nhiều thôn bản, xã gần như tách biệt với các vùng lân cận.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của T.Ư và của tỉnh, huyện Phước Sơn đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm…, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo.

 huy dong 1.650 ty mo loi thoat ngheo cho vung nui phuoc son hinh anh 1

Diện mạo huyện Phước Sơn đổi thay từng ngày.  Ảnh: Đại Hậu

Đặc biệt, để mở đường thoát nghèo cho bà con miền núi, huyện đã ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông bằng nhiều nguồn khác nhau như Chương trình 30a, Chương trình 135, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA... tổng vốn huy động được lên tới hơn 1.650 tỷ đồng. Nhờ đó, mạng lưới giao thông trên địa bàn đã cơ bản ổn định, thông suốt đến tất cả các xã vùng cao trong cả 2 mùa.

Ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, việc đầu tư tốt về hạ tầng cơ sở đã tạo sức bật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Năm 2010, các tiêu chí về hạ tầng tại Phước Sơn đạt rất thấp, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện. Trong đó nhóm 5 xã vùng cao hầu như không đạt. Đến nay qua rà soát, đánh giá, hầu hết các xã đã đạt chuẩn những tiêu chí này.

Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Phước Sơn đã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và chọn những cây con có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương để đưa vào sản xuất. Theo đó, trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng keo (1.000ha), bời lời (200ha); chăn nuôi gia súc (trâu, bò) đạt gần 9.000 con, nhiều hộ có quy mô đàn từ 10-20 con.

Theo ông Quảng, trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện sẽ tiếp tục tập trung đầu tư để đưa 3 xã Phước Năng, Phước Chánh và Phước Xuân về đích NTM. Các xã còn lại tập trung đầu tư vào các tiêu chí gần đạt, phấn đấu tăng 1-2 tiêu chí/năm; hoàn thành cắm mốc quy hoạch khu trung tâm và vùng phụ cận cho 11 xã. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn đầu dự kiến 158.000 triệu đồng.

                                                                                                                           





                                                                                                               Theo Nghĩa Đại – Trần Hậu/ Dân Việt