Huyện Như Xuân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Những năm qua, Như Xuân đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Nông dân xã Bãi Trành (Như Xuân) chăm sóc dưa hấu. Ảnh: Lê Hợi
Theo giới thiệu của cán bộ xã Bãi Trành, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Duy Vĩnh, ở thôn Hồ, được biết: Năm 2005, qua tìm hiểu các phương tiện thông tin đại chúng, thấy mô hình nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương, ông quyết định lặn lội vào tận miền Nam để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi thử nghiệm. Thấy lợn phát triển tốt, ông cho nhân đàn nuôi bán thương phẩm. Hiện  trang trại của gia đình ông có 7 con lợn nái, hàng năm xuất bán  hàng chục lợn giống, gần 100 con lợn rừng thương phẩm. Hằng năm, trừ chi phí gia đình ông Vĩnh có lãi từ 60 đến 70 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Ngoài phát triển trang trại, để tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, những năm qua, xã Bãi Trành đưa vào trồng luân canh 45 ha cây dưa hấu cho thu nhập cao. Mặc dù, diện tích trồng dưa hấu ở xã ít hơn so với những loại cây trồng khác nhưng giá trị mà loại cây này đem lại cao hơn. Trong vòng 3 tháng, với 1 sào dưa hấu, bà con nông dân chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng chi phí và công chăm sóc nhưng thu về gần 10 triệu đồng. Đồng chí Lê Chí Liệu, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành, cho biết: Phát huy tiềm năng đất đai, xã đã phát triển nhiều cây trồng hàng hóa, mở rộng trao đổi nông sản với bên ngoài. Xã đã khuyến khích bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn xã có gần 20 trang trại tổng hợp (theo tiêu chí cấp huyện), hình thành các vùng chuyên canh cây trồng như mía, dưa hấu, ngô... Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Gần đây, huyện Như Xuân cũng đã triển khai dự án phát triển rau an toàn tập trung tại thị trấn Yên Cát, với diện tích 2 ha. 19 hộ  dân tham gia sản xuất đã cho thu nhập khá. Qua 2 vụ sản xuất, năng suất các loại rau   đạt gần 2 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân của mỗi hộ trồng rau đạt khoảng 5 triệu đồng/vụ. Trong quá trình sản xuất, các hộ tham gia dự án được cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để  sản xuất rau an toàn. Từ những mô hình được xây dựng và thành công bước đầu trong sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Như Xuân đã quy hoạch các loại cây trồng hàng hóa và tìm đầu ra bền vững như: cây cao su, mía, sắn, dưa hấu, ngô... góp phần giảm  nghèo cho nhiều hộ dân trong huyện. Hiện tại, cây mía với diện tích 4.688 ha, năng suất đạt 52,62 tấn/ha, diện tích mía niên vụ 2014 – 2015 dự kiến đạt 4.100 ha; cây sắn trồng mới, trồng lại đến nay đạt 1.900 ha; cây cao su với diện tích 6.028,24 ha...

Cùng với phát triển các loại cây trồng, thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU về phát triển chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn huyện, tổng đàn trâu có 8.395 con, đàn bò có 1.792 con, đàn dê có 5.625 con, đàn lợn 19.013 con, tăng 1.142 con so với cùng kỳ; gia cầm 188.555 con...

Việc phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa của huyện Như Xuân đã đạt nhiều kết quả bước đầu, song chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững. Việc gắn kết giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhiều mặt hàng nông sản còn bị tư thương ép giá.  Tổ chức thực hiện các đề án về phát triển nông nghiệp ở một số xã còn chậm, việc phát triển, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả kinh tế chưa cao... Đó là những hạn chế mà huyện Như Xuân xác định cần phải tập trung chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.