Khá giả nhờ rau, hoa…

Khá giả nhờ rau, hoa…
Chủ trương khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của TP.HCM đã và đang đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Mỗi năm có thêm gần 40 triệu đồng

Xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) là nơi đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp một cách mạnh mẽ và bền vững. Những cánh đồng lúa èo uột, kém năng suất một thời đã được thay bằng những cánh đồng rau mơn mởn, những vườn lan, cây kiểng…  hứa hẹn mùa bội thu cuối năm.

 kha gia nho rau, hoa… hinh anh 1

Vườn lan của gia đình lão nông Huỳnh Công Chánh mỗi năm cho thu nhập từ 600-700 triệu đồng. Ảnh:  H.V

UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chính sách chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sẽ được ưu đãi vay vốn lãi suất từ 60-80%, hộ nghèo và cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất. 

Chúng tôi ghé vườn rau nhà anh Nguyễn Ngọc Thiểm (ở ấp 4, xã Xuân Thới Thượng), một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi và có hiệu quả cao. Vườn rau rộng  gần 3.000 m2 với đủ chủng loại cải xanh, cải ngọt, mùng tơi, xà lách, rau dền…  Theo anh Thiểm, trước năm 2005, gia đình anh canh tác một vụ lúa, hai vụ màu trong năm chỉ mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm. Nhờ sự khuyến khích của Hội Nông dân và được tham gia lớp huấn luyện của các chuyên gia nông nghiệp trong việc hướng dẫn và chuyển giao công nghệ trồng rau an toàn, gia đình anh Thiểm đã mạnh dạn vay vốn chuyển sang canh tác rau.

“Kể từ đó thu nhập cứ tăng dần theo từng vụ, đến nay, mỗi năm cánh đồng rau mang lại cho tôi khoảng 60-80 triệu đồng/năm sau khi đã trừ mọi chi phí” - anh Thiểm hồ hởi.

Hàng xóm của anh Thiểm là lão nông Phạm Văn Thắng cũng đang canh tác rau an toàn trên diện tích hơn 2.000 m2. Mỗi năm vườn rau mang lại thu nhập cho gia đình hơn 60 triệu đồng. Cả ông Thắng cũng như anh Thiểm và hàng chục hộ trồng rau khác ở Xuân Thới Thượng đã và đang tiếp cận kỹ thuật trồng rau VietGAP, nhằm đảm bảo tiêu chí an toàn và tăng thu nhập.

Ngoài cánh đồng rau bạt ngàn, xã Xuân Thới Thượng cũng là nơi đi đầu trong việc phát triển các vườn hoa lan. Như vườn lan của lão nông Huỳnh Công Chánh rộng khoảng 6.000m2, với giống lan Dendro và nhiều lại hoa lan khác. Nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến nên vườn lan rộng cũng chỉ cần 4 người chăm sóc. Theo ông Chánh, thu nhập từ vườn lan khoảng 600-700 triệu đồng/năm. Ngoài vườn lan của ông Chánh, còn hàng chục hộ khác cũng trồng lan.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu

Theo UBND TP.HCM, trong năm 2017, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học… Từ đó, biến TP.HCM thành trung tâm sản xuất rau an toàn, hoa tươi, giống cây trồng, vật nuôi… có năng suất, chất lượng của khu vực, góp phần nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.HCM, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp  đã mang lại hiệu quả tốt. Trên 5 huyện ngoại thành thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập từ hàng trăm triệu (hộ cá thể) đến vài tỷ đồng (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Mặc dù trong năm 2016, tình hình thời tiết diển biến không thuận lợi nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ nên GRDP ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 5,8%, giá trị sản xuất đạt 20.782 tỷ”.

Theo bà Cao Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng, nhưng năm qua nông dân trong xã đã mạnh dạn bỏ một vụ lúa, hai vụ màu/năm chuyển hẳn sang trồng rau an toàn và các vườn lan, vườn kiểng… “Từ sau năm 2005 đến nay, các hộ trồng rau có thu nhập từ 60-80 triệu đồng/hộ/năm, trồng lan thu trên 500 triệu đồng/năm. Bộ mặt nông thôn của xã đã thay đổi, nông dân thoát nghèo và đời sống nhiều hộ đã khá hơn” - bà Hòa cho biết.

Tác giả bài viết: Hồ Văn

Nguồn tin: danviet.vn