Khánh Hòa: Giải "bài toán" trẻ hóa nhân lực tại các HTX

Những hướng đi đúng hướng đang giúp các HTX tại Khánh Hòa gặt hái nhiều thành công, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, để có những bước tiến mang tính đột phá, các HTX vẫn cần được tháo gỡ nhiều khó khăn và nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

Khánh Hòa hiện có 103 HTX, gần 180 tổ hợp tác (THT), hoạt động theo Luật HTX 2012. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể bình quân hàng năm chiếm trên 5% GDP của tỉnh.

Các THT, HTX, trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, gia tăng sản lượng hàng hóa nông - lâm - thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiệu quả kinh tế

Hàng loạt các đơn vị điển hình có cách làm hay, hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi, như Quỹ TDND Vĩnh Phương (Tp.Nha Trang); mô hình liên kết sản xuất lúa giống của HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1 (huyện Diên Khánh); mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Vĩnh Phước (thị xã Ninh Hòa)...

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: "Sau chuyển đổi, nhiều HTX trong tỉnh đã mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, làm ăn có lãi. Các HTX khá giỏi đã đáp ứng được 80% nhu cầu dịch vụ đầu vào phục vụ thành viên của mình".

So với trước năm 2013, đã có khoảng 15% số HTX mở thêm dịch vụ mới, như: Liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tiểu thủ công nghiệp; liên kết giữa HTX nông nghiệp với HTX tiểu thủ công nghiệp để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…

Các HTX đã sử dụng vốn hiệu quả hơn, tăng được vốn tích lũy hằng năm 10 - 15%, chia cổ tức cho thành viên 8 - 10%.

tre-hoa-nhan-luc-htx-JPG-3954-1527703675

Trẻ hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang "bài toán" khó của các HTX

Bài toán nhân lực

Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, khó khăn về nhân lực đang là thách thức không nhỏ cho sự phát triển bền vững của các HTX.

Báo cáo chỉ ra độ tuổi trung bình của người lao động tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là xấp xỉ 50, hầu hết chưa được đào tạo nghiệp vụ bài bản.

Ông Nguyễn Ngọc Chúng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1 (huyện Diên Khánh), chia sẻ: "Việc thu hút nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nhân lực trình độ cao, vào các HTX là rất khó khăn. Lương và chế độ đãi ngộ thấp khiến nhiều cán bộ chưa phát huy hết năng lực, không gắn bó lâu dài với HTX".

Theo khảo sát, hầu hết các HTX tại Khánh Hòa hoạt động yếu kém là do thiếu bộ máy lãnh đạo tốt, chậm đổi mới phương thức quản lý, điều hành và thiếu chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Trước những khó khăn trên, Liên minh HTX tỉnh đã liên tục tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX, đồng thời, phổ biến và bổ sung kịp thời những quy định về an toàn lao động tại các HTX.

Nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ HTX cũng được ban hành, tạo điều kiện cho các HTX phát triển, nâng cao thu nhập, từ đó thực hiện đầy đủ các chính sách phúc lợi cho thành viên, người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động...

Khánh Hòa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm thành lập mới 80 HTX, trên 80% HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Để làm được điều này, tỉnh cần đầu tư mạnh hơn về vốn, mặt bằng sản xuất, nhân lực… để tạo điều kiện cho HTX phát triển.

Hưng Nguyên/thoibaokinhdoanh.vn