Khi bờ ruộng có... hoa
- Thứ ba - 06/01/2015 21:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiền Giang: Nở rộ mô hình
Là địa phương đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện mô hình “ruộng lúa- bờ hoa”, tức “công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa”, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng được trên 50 mô hình với diện tích gần 1.000ha lúa.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa mang lại lợi ích kép, vừa giảm chi phí sản xuất cho nông dân, vừa bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet).
Áp dụng mô hình này, nông dân trồng thêm các loại hoa dại trên bờ ruộng để hấp thu và dẫn dụ thiên địch về sinh sống, trú ngụ nhằm đa dạng hóa thành phần thiên địch có ích, khống chế các loài côn trùng gây hại, đặc biệt là rầy nâu. Áp dụng mô hình này, sau mỗi vụ lúa, nông dân giảm được chi phí thuốc trừ sâu, giống lúa, công chăm sóc từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016, tỉnh Tiền Giang mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình “công nghệ sinh thái” khoảng 2.000ha, đến năm 2020 phấn đấu đạt 25.000ha.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, sau tỉnh Tiền Giang, đến nay tất cả các xã nông thôn mới thí điểm ở 22 tỉnh, thành phía Nam đều áp dụng mô hình “công nghệ sinh thái” trong sản xuất lúa và đạt hiệu quả cao.
Ông Lê Văn Nhỏ, nông dân sản xuất giỏi ở xã Tân Phú, huyện Cai Lậy đã 4 năm gắn bó với mô hình này chia sẻ: Thời gian qua, làm chương trình công nghệ sinh thái, tôi thấy rất hiệu quả, giảm được chi phí thuốc trừ sâu do giữ được côn trùng có ích. Theo tôi, để xây dựng nông thôn mới, chúng ta nên tham gia mô hình công nghệ sinh thái cho đồng ruộng tươi đẹp…”.
Tại xã Tân Hương (huyện Châu Thành), nông dân cũng rất tích cực hưởng ứng mô hình. Được biết, mô hình trồng hoa sinh thái dẫn dụ thiên địch có lợi được nông dân Tân Hương thực hiện từ nhiều năm trước, nhằm giải quyết nạn sâu rầy bảo vệ lúa, vừa đảm bảo lúa đạt năng suất cao, hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn được sức khỏe, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.
Vụ lúa hè thu 2014, 36 hộ nông dân với 20ha canh tác ở ấp Tân Phú thấy được lợi ích từ mô hình này nên đã tự gieo bông (bông soi nhái), hoặc nhổ nơi khác về trồng trên bờ ruộng của mình mà không chờ đợi chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả, năng suất lúa đạt trung bình trên 6 tấn/ha, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm rõ rệt.
An Giang, nông dân hào hứng
Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng cũng được nông dân An Giang quan tâm. Nối tiếp thành công trong 2 vụ hè thu và thu đông 2014, vụ lúa đông xuân 2014-2015, Tổ hợp tác nông nghiệp (THTNN) Tân Tiến (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) tiếp tục có hơn 30 ha lúa thực hiện mô hình.
Nông dân Võ Thành Nhơn, Tổ phó THT cho biết, THTNN Tân Tiến hình thành năm 2009, có 7 hộ nông dân tham gia với diện tích 33ha đất ruộng, sản xuất theo chương trình “1 phải, 5 giảm”. Từ năm 2010, THT bắt đầu áp dụng mô hình công nghệ sinh thái. Riêng năm 2014, THT đẩy mạnh ứng dụng và phát triển mạnh phong trào thi đua.
Chủng loại các loài hoa được THTNN Tân Tiến chọn khá đa dạng và phong phú, như: Sao nháy, hướng dương, cúc tím, đậu bắp, mè… Trong đó, loại hoa phổ biến nhất là sao nháy vì dễ trồng và sức sống lại khỏe. Ngoài ra, cũng có một số loại cây tăng thu nhập, như: Đậu bắp, mè…
“Việc bố trí bờ hoa phụ thuộc rất lớn vào địa hình và điều kiện của mảnh ruộng. Ngoài việc tập trung trồng hoa trên các bờ đê lớn, một số nông dân còn tích cực trồng trên các bờ ruộng nhỏ. Tận dụng lợi thế diện tích đất của nông dân trong THT khung hình chữ nhật nên các nông dân trồng hoa xung quanh bờ ruộng và những đường rãnh cũng dễ dàng”, ông Võ Thành Nhơn thông tin.
Áp dụng công nghệ sinh thái trên nền canh tác lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, vụ thu đông và đông xuân, THTNN Tân Tiến canh tác giống Jasmine theo nhu cầu Công ty Tấn Vương. Khi thu mua, công ty hỗ trợ thêm 10% so giá thị trường. Ông Võ Thành Nhơn cho biết, để đạt được kết quả cao, khi vừa xuống giống thì nông dân cũng bắt đầu tổ chức trồng hoa. 2 tháng sau, khi lúa trổ thì cây cũng vừa ra hoa. Như vậy, mô hình mới dẫn dụ thiên địch được.
Xuống giống vụ đông xuân 2014-2015, ông Huỳnh Văn Dũng đã chuẩn bị rất nhiều cây giống hoa để trồng trên bờ đê và ươm những loại cây có hoa sặc sỡ để bổ sung. Đối với vụ đông xuân, khâu tưới nước quan trọng, thông thường mỗi ngày phải tưới 2 lần. Dựa vào thời gian trổ hoa của từng loại cây, có thể rút ngắn thời gian ra hoa trên ruộng lúa bằng cách làm vườn ươm, bầu cây trước khi đem ra ruộng trồng. “Những cây hoa có khả năng tái sinh như sao nháy, đậu bắp nên cắt gốc khi thu hoạch lúa để cây ra chồi mới và đỡ tốn công trồng lại”, nông dân Huỳnh Văn Dũng khuyến cáo.
Theo ông Võ Thành Nhơn, áp dụng công nghệ sinh thái giúp THT hạn chế phun thuốc trừ sâu, từ khi xuống giống đến 40 ngày không phun xịt thuốc và ngưng phun trước khi thu hoạch 20 ngày. Riêng vụ đông xuân thường phun ngừa 1 đợt rầy. Tính ra, mỗi vụ hạn chế ít nhất 2 lần phun thuốc trừ sâu.
Được biết, mô hình công nghệ sinh thái được Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang triển khai ứng dụng từ vụ hè thu năm 2010. Đến nay, đã thực hiện 97 mô hình trình diễn, với 2.838 nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 1.918ha. Riêng vụ thu đông vừa qua, có 137 nông dân tham gia, ứng dụng trên diện tích 191,7ha.
Khánh Nguyên (tổng hợp)
Nguồn: kinhtenonghthon.com.vn