Khi hạt thóc được ... "quay vòng"

Là xã thuần nông, cây lúa xưa nay vẫn là cây trồng chính của bà con lương, giáo xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). Với tổng diện tích lúa là 263 ha, toàn xã có hơn 1.500 hộ canh tác lúa, trong đó có 220 hộ công giáo thuộc giáo xứ Vĩnh Hòa. Từ năm 2000 trở lại đây, khi hình thành làng nghề, hạt thóc được "quay vòng" chế biến thành hàng hóa, làm ra các mặt hàng bánh bún, bánh chưng, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Hợp Thành nay đã đổi thay nhiều.
Nông dân xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm đất, cấy lúa.

Cơ cấu giống lúa chất lượng cao

Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hợp Thành Ðường Văn Kim cho biết: Từ ngày làng nghề được công nhận, cung ứng nhiều gạo ngon và bánh bún ra thị trường, xã bố trí cây trồng theo hướng hàng hóa hiệu quả, chọn các loại giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon vào gieo cấy với diện tích lớn. Năm loại giống lúa chất lượng cao được đưa vào cơ cấu gieo trồng là Khải phong số 1, Nghi hương 2308, AC5, Bắc thơm số 7 và nếp 97, mật độ cấy từ 38 đến 40 khóm/m3. Trên diện tích canh tác 263 ha, xã chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy mỗi năm hai vụ lúa chiêm xuân và hè thu, vụ đông để lúa tái sinh nuôi trồng thủy sản và nuôi vịt sinh sản. Ðể tạo điều kiện cho bà con làm mùa kịp thời vụ, xã liên kết các cơ quan dịch vụ nông nghiệp ở huyện cung ứng đầy đủ vật tư phân bón, thóc giống, nước tưới, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp đến từng đội sản xuất và hộ gia đình. Toàn bộ đất dược mạ được làm tập trung để tiện cho việc điều tiết nước và bảo vệ không cho chuột cắn phá. Ðội ngũ cán bộ thủy nông ở 11 xóm được kiện toàn, tập huấn và có thù lao thỏa đáng để anh em bám đội lội đồng, điều tiết nước luân phiên để giữ độ ẩm cho lúa theo yêu cầu thâm canh của bà con nông dân. Xã phát động toàn dân ra quân làm giao thông thủy lợi, bê-tông hóa kênh mương, tạo thêm nguồn nước tưới và sản xuất chế biến phân chuồng, phân xanh cải tạo đất. Những gia đình có tiềm lực kinh tế, HTX vận động mua máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa để giải phóng sức lao động. Ðến nay, xóm nào cũng có 5 - 6 máy cày đa chức năng và máy tuốt lúa, 2 - 3 máy nghiền thức ăn chăn nuôi. Nhiều gia đình còn mở rộng nhà xưởng, lắp đặt mô-tơ, hệ thống điện nước để sản xuất chế biến bánh bún. Nhờ vậy, năm nào xã cũng đạt kế hoạch đào đắp 1.500 m3 đất thủy lợi, sản xuất chế biến hơn 15 nghìn tấn phân chuồng, phân xanh, nạo vét khai thông hệ thống kênh mương nội đồng với chiều dài hơn 30 km. Toàn bộ diện tích lúa được làm đất hai lần, dọn sạch cỏ chung quanh bờ ruộng. Hơn 1.000 thợ cấy được tập huấn kỹ thuật nên đã khép kín mầu xanh trong khung thời vụ tốt nhất.

Cây lúa ở Hợp Thành được người dân bỏ vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với các xã khác. Tính bình quân, mỗi sào trung bộ (500 m2), người dân phải bón tới 600 kg phân chuồng, 30 kg NPK, 10 kg u-rê, 20 kg vôi bột và 8 kg ka-li. Theo Chủ nhiệm HTX Ðường Văn Kim, do đồng ruộng ở Hợp Thành thấp trũng, độ chua phèn cao, đất bị bạc màu rửa trôi mỗi khi bão lũ xảy ra. Hơn nữa, do gieo cấy 100% giống mới dài ngày, thường từ 115 đến 120 ngày mới cho thu hoạch cho nên phải tốn nhiều công sức từ khâu làm đất đổ ải, bắc mạ dày xúc, điều tiết nước hợp lý, chăm sóc ba lần đến phòng trừ sâu bệnh đúng lúc, đúng cách thì mới chống chọi được thời tiết khắc nghiệt nắng lửa, gió tây miền trung. Với cách làm thuần thục, mùa vụ nào năng suất lúa ở Hợp Thành cũng đạt bình quân 65 - 70 tạ/ha.

Chế biến tiêu thụ sản phẩm

Những năm 80 của thế kỷ 20 trở về trước, xứ đạo Vĩnh Hòa nói riêng và bà con nông dân xã Hợp Thành nói chung, trăm khoản chỉ biết trông vào hạt thóc, cho nên nhiều gia đình thường xuyên phải chịu cảnh "treo hái là treo niêu". Bây giờ đã khác xưa, sau Nghị quyết 02 và Chỉ thị 08 của tỉnh Nghệ An về dồn điền đổi thửa, làm giao thông thủy lợi nội đồng, phát triển thủ công nghiệp và làng nghề, đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

Qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản phẩm nông nghiệp, người dân Hợp Thành trở nên năng động, nhanh nhạy hơn. Quá trình sản xuất nông nghiệp của xã được khép kín từ khâu thâm canh lúa đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Hạt gạo Hợp Thành còn được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận và vươn sang nước bạn Lào. Ðến nay, 10 hộ trong xã đã thành lập doanh nghiệp TNHH, buôn bán đường dài.

Từ những xóm nghèo ven tỉnh lộ 38, nơi đầu nguồn sông Bùng, trải qua chuyển đổi kinh tế, gắn trồng trọt với phát triển làng nghề, chăn nuôi, làm dịch vụ thương mại với phương châm "ly nông bất ly hương", Hợp Thành trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tổng hợp của huyện Yên Thành. Gần một nửa số lao động thuần nông trong xã đã chuyển sang làm ngành nghề, dịch vụ thương mại, đi lao động trong nước, ngoài nước, thu nhập bình quân đạt 18 - 20 triệu đồng người/năm. Tổng sản lượng lương thực toàn xã mỗi năm đạt 3.700 tấn, đàn gia súc 6.500 con, gia cầm hơn 12 nghìn con. Số hộ giàu và khá thu nhập từ 46 đến 150 triệu đồng hộ/năm chiếm 60%. Kinh tế tập thể và hộ gia đình phát triển bền vững, đời sống nhân dân nâng lên, xã có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành sớm chương trình kiên cố hóa trường học, "ngói hóa" nhà ở cho dân, bê-tông hóa kênh mương thủy lợi, nhựa hóa đường giao thông nông thôn. Hợp tác xã nông nghiệp có nguồn vốn và tài sản cố định hàng tỷ đồng, xây dựng được trụ sở làm việc khang trang, làm tốt công tác dịch vụ điện nước, cung ứng đầy đủ vật tư phân bón, thóc giống cho bà con nông dân. Hộ nghèo, gia đình neo đơn được ứng trước vật tư phân bón đến mùa thu hoạch mới phải trả. Ðội ngũ cán bộ xóm, Ban quản lý HTX được trả thù lao, đào tạo ở các trường dạy nghề của tỉnh, huyện để cán bộ yên tâm làm việc, phục vụ lâu dài cho người dân. Bà con lương - giáo đồng lòng đồng thuận, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Năm nào, xã cũng hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước và tập thể, xây dựng được các loại quỹ "Phòng chống thiên tai", "vì người nghèo", "đền ơn đáp nghĩa", "khuyến học khuyến tài", có số dư gần 100 triệu đồng/quỹ, đạt 13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

BÀI VÀ ẢNH: LÊ HOÀI THUNG
theo nhandan