Khi vườn đồi "nhả vàng"

Nhờ phát triển kinh tế VAC, kinh tế vườn - đồi, nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc đã có của ăn của để.

Quản Bạ: Miệt mài trên nương - vườn

 Đến Thị trấn Tam Sơn- Quản Bạ (Hà Giang) thăm mô hình VAC của hộ ông Long Đình Kình, chúng tôi được biết ông thường làm việc 12 tiếng trên 1 ngày, với những công việc như: cho đàn gia súc ăn, chăm sóc vườn cây, nấu rượu;...

Là người không may mắn, ngay từ khi còn trẻ, ông Kính đã bị cụt một bên cánh tay; nhưng ông đã dùng cả tuổi xuân cùng sức trẻ để bù cho sự thiếu hụt của mình. Đã từng trải qua nhiều công việc, nhiều thăng trầm của cuộc đời cùng những nỗ lực và sự phấn đấu không biết mệt mỏi để phát triển kinh tế gia đình và nuôi 3 con ăn học, đến nay, khi đã ngoài 60 tuổi, con cái đều có cuộc sống ổn định, nhưng ông vẫn luôn “tham việc”.

Những cây bưởi sai trĩu quả sẽ được gia đình ông Kính bán vào dịp Tết Nguyên đán tới.

à một trong 7 đại biểu tiêu biểu của huyện Quản Bạ được vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào thi đua “Nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2017, hiện, ông Kính có 13 con trâu, 3 con ngựa, 4 con lợn lái và hơn 100 con gà; hơn 5ha các loại cây ăn quả, như: Mận, lê, chanh, bưởi... Ngoài ra, ông còn trồng ngô, lúa để nấu rượu và làm thức ăn cho đàn gia súc.

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó, hai vợ chồng ông luôn tận dụng và tranh thủ mọi điều kiện để phát triển kinh tế; ông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng cho việc kéo đường ống nước cách nhà khoảng 6 - 7 cây số về để tưới tiêu và đào ao nuôi cá, làm ruộng và chạy máy phát điện nhỏ. Từ việc kết hợp nhiều loại hình sản xuất nông nghiệp, đã giúp gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Yên Sơn: Chú trọng phát triển vườn hàng hóa

Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đang quy hoạch phát triển cây bưởi ở 13 xã trung và thượng huyện. Huyện đã lồng ghép các nguồn vốn phát triển kinh tế như vốn hỗ trợ sản xuất, hộ nghèo, vốn 135, hỗ trợ người dân giống cây trồng để mở rộng diện tích, chăm sóc bưởi, hình thành vùng bưởi đặc sản như bưởi ngọt Soi Hà. Hiện, toàn huyện đã có trên 1.300ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi ngọt. 

Riêng xã Xuân Vân có tới 700 ha bưởi với khoảng 800 hộ trồng bưởi kinh doanh. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều có vài héc ta. Số hộ có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm, chiếm tới 60% số hộ trồng bưởi. Ông Tô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết, bưởi Đường đã mang lại đời sống ấm no cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ khi bưởi Xuân Vân được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì giá trị thu nhập của cây bưởi ngày càng được nâng cao. Quy hoạch ban đầu của xã chỉ có 400 ha nhưng hiện diện tích đã lên quá 700 ha. UBND xã khuyến cáo bà con không trồng tràn lan các loại giống bưởi khác mà tập trung vào giống bưởi chủ lực đã làm nên thương hiệu.

 Phát triển cây bưởi ngọt theo hướng hàng hóa ở Yên Sơn

Thanh Ba: Liên kết sản xuất với nông dân  

Thanh Ba (Phú Thọ) là huyện giàu tiềm năng đất đai, đặc biệt chất đất vùng này thuận lợi cho phát triển cây chè và một số loại cây ăn quả có múi như quýt, bưởi…, tạo nên vùng chuyên canh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất…

Trên 50 ha bưởi, quýt Đài Loan (xen canh  dứa) tại Thanh Ba thuộc dự án Nông nghiệp công nghệ cao H2

Hiện khu trồng cây có múi và dược liệu đã được Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao H2 đầu tư và thực hiện từ đầu năm 2017. Trên tổng diện tích đất là 647.300m2, công ty trồng 12.000 cây bưởi, 4.000 cây quýt Đài Loan và xen canh 400.000 hom dứa. Công nghệ trồng trọt là cơ giới hóa, sử dụng máy làm đất đa năng kết hợp lên luống, làm cỏ, đào hố trồng cây; dùng hệ thống tưới nhỏ giọt có bù áp của Israel, để điều chỉnh lượng nước theo giai  đoạn sinh trưởng, kết hợp với bón phân vô cơ tự động; sử dụng 100% phân bón vi sinh hữu cơ, áp dụng công nghệ của Nhật Bản, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, an toàn. Nhờ áp dụng công nghệ trồng trọt đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, bưởi, quýt, dứa mới trồng gần 1 năm đã phát triển rất nhanh. Bưởi, quýt đã lên cao hơn 1m, dứa đã ra quả bói…

Đây là mô hình thực hiện có quy mô lớn, dự kiến đến năm 2019 các loại cây trồng thử nghiệm sẽ cho kết quả… Ông Đặng Vinh Quang, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao H2, cho biết: Với việc đầu tư 200 triệu đồng cho 1ha từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc cho một chu kỳ 3 năm theo tiêu chuẩn KH&CN cao, chắc chắn dự án sẽ thành công, tạo điểm tựa cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Thanh Ba có bước đi vững chắc. Nông dân trong vùng sẽ được liên kết sản xuất, tăng thu nhập gấp nhiều lần so với canh tác cây truyền thống như hiện nay

Mường La: vàng rực mùa sơn tra

Tháng 10 và tháng 11 là thời điểm quả sơn tra trên bản vùng cao Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La - Sơn La) chín rộ.

Bản Nậm Nghiệp có 63 hộ với 401 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Là bản xa nhất và có diện tích cây sơn tra lớn nhất xã, những năm gần đây, sơn tra trở thành nguồn thu nhập chính và cũng là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của bà con nơi đây. Ông Kháng A Của, Trưởng bản Nậm Nghiệp, thông tin: Bản có tới 500 ha sơn tra tự nhiên và trồng mới. Trung bình mỗi hộ có 6 ha sơn tra. Bản trồng sơn tra nhiều vì cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển tốt, không những có rừng xanh mà còn được thu hoạch quả, tăng thu nhập.

Trước đây,  sơn tra mọc tự nhiên, người dân hái quả về ngâm rượu, làm thuốc, cho trâu, bò ăn. Thấy sơn tra rụng nhiều, không sử dụng hết nên người dân vận chuyển bằng ngựa hoặc sức người gánh xuống bán ở Ngã Ba Kim, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hoặc xuống chợ huyện Mường La. Khoảng 7-8 năm trở lại đây, sơn tra của bản có người đến tận nơi để mua, được giá hơn so với trước đây. 

Người dân bản Nậm Nghiệp thu hoạch sơn tra.

Theo chân anh Kháng A Sử thăm rừng sơn tra hàng chục tuổi của gia đình, từ xa đã nghe thấy tiếng nói, cười của bà con; người hái quả; người đang đổ vào bao, đợi chở về. Sơn tra thường ra hoa từ tháng 3, đến tháng 10, 11 thu hoạch. "Gia đình tôi có 3 ha sơn tra đã cho thu hoạch, những vườn trồng mới phải 5 năm mới cho trái; cây càng lâu năm thì trái càng ngon.. Với quả loại ngon, gia đình tôi bán với giá 22.000 đồng/kg, trung bình 15.000 - 18.000 đồng/kg, mỗi năm thu được 60 - 80 triệu đồng", anh Sử cho biết.

Được biết, nhiều năm trở lại đây, đồng bào miền núi cao các tỉnh phía Bắc làm vườn giỏi không kém đồng bào miền xuôi. Hy vọng, với cách làm vườn có hiệu quả như hiện nay, người dân vùng cao sẽ sớm có cuộc sống ổn định.    

An Như (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn