Khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà thả đồi sinh học
- Thứ năm - 12/12/2019 11:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới 28 tuổi, Nguyễn Văn Nhị đã là chủ của một cơ ngơi chăn nuôi gà thả đồi sinh học với gần 1.000con/lứa, mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm nhà lại nhiều anh em nên Nhị không thể theo học bậc Đại học và phải phụ mẹ lao động kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Những năm vào miền Nam làm thuê ở trang trại chăn nuôi, Nhị học hỏi nhiều mô hình thực tiễn và tự tìm các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức. Năm 2017, sau nhiều năm bôn ba, Nhị trở về quê, thành lập Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Nhị Nguyễn và quyết định khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà đồi sinh học. Nhị cho biết “Việc nuôi gà theo hướng sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống, đó là gà được thả tự do trong không gian rộng, nguồn thức ăn chính là lúa, bắp và cám tổng hợp. Chất lượng thịt gà chắc, ngọt và thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì vậy, tôi đã tận dụng vùng đất trồng cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, vùng đất đồi núi bỏ hoang của gia đình để mở trang trại chăn nuôi”.
Ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả đồi, Nhị đã đặt mục tiêu sản phẩm làm ra không những ngon mà phải sạch. Bởi vậy, Nhị tìm tòi, học hỏi quy trình sản xuất an toàn sinh học từ các chương trình truyền hình, sách báo, internet để đúc rút kinh nghiệm và tạo cho mình một quy trình riêng. Đặc biệt, ngay sau khi nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ của Trung ương Đoàn, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, anh đã xây dựng chuồng nuôi theo kiểu thông thoáng với kích thước chiều rộng 6 - 9m, chiều cao 3 - 3.5m, ngăn theo từng ô, đảm bảo mỗi ô có thể nuôi từ 500 - 1.000 con gà có độ tuổi từ 4 - 5 tháng; đầu tư san lấp mặt bằng để không tạo thành vũng nước, trong vườn không có nhiều cây bụi; dụng cụ phong phú nhiều kiểu dáng đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi của gà. Ngoài ra, khâu chọn con giống cũng được Nhị lựa chọn rất kĩ lưỡng. Con giống nhập về phải có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng từ nơi bán như hóa đơn, giấy kiểm dịch thú y; màu lông, màu da chân phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn và không có dị tật.
Nhận thấy địa phương có nhiều phụ phẩm nông nghiệp như cám, ngô, đậu tương, bột các loại… Tuy nhiên, phần lớn phụ phẩm này được người dân sử dụng hết sức thủ công dưới dạng thô, không đảm bảo cân đối dinh dưỡng trong chăn nuôi. Mặt khác, người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp thì gà thành phẩm không cao, chất lượng thịt không ngon. Từ thực tế này, Nhị đã mày mò tìm kiếm các công thức, tự mình tìm hiểu các nguồn nguyên liệu để pha trộn thức ăn cho gà.
Sau nhiều lần thử nghiệm, Nguyễn Văn Nhị đã có công thức ăn an toàn, bổ dưỡng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi của gà. Anh cho biết: Chăn nuôi gà thả sinh học được chia thành hai giai đoạn và được sử dụng các loại thức ăn khác nhau. Giai đoạn 1 từ 1 - 90 ngày tuổi, gà ăn thức ăn hỗn hợp dạng mảnh và viên do công ty thức ăn chăn nuôi sản xuất. Giai đoạn 2 từ 90 - 135 ngày tuổi, gà ăn thức ăn phối trộn như ngô, thóc, cá tạp, bã đậu, bã bia, sâu canxi được áp dụng công nghệ vi sinh vật lên men đảm bảo an toàn, vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng giúp cho gà phát triển tốt, hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh giai đoạn cuối. Việc cho ăn theo từng giai đoạn phát triển của gà giúp chúng có thể hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất.
Nhờ tìm hiểu kiến thức kỹ càng, chu đáo, mô hình chăn nuôi gà thả đồi theo hướng sinh học của Nhị Nguyễn đã mang lại những kết quả đáng mừng. Với phương châm “Thực phẩm vàng vì chất lượng cuộc sống”, những lứa gà lai chọi, gà cỏ mang thương hiệu Nhị Nguyễn lần lượt được xuất ra thị trường và được khách hàng đón nhận với những phản hồi tốt. Với giá thành 90.000 đồng/kg đối với gà lai chọi, 150.000 đồng/kg đối với gà cỏ, sản phẩm gà đồi sinh học của Nhị hướng đến mục tiêu chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của phần đông khách hàng. Hiện nay thị trường tiêu thụ gà đồi sinh học không chỉ ở địa bàn trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác.
Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, anh đã liên kết với 10 hộ dân trên các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy với quy mô 1,6 triệu con. Chăn nuôi gà thả đồi đảm bảo an toàn sinh học mang lại nhiều năng suất, hiệu quả tối ưu thì không phải hộ chăn nuôi nào cũng làm được. Nhị cho hay: Gà là vật nuôi khá nhạy cảm nên bên cạnh nguồn thức ăn, nước sạch, người chăn nuôi phải căn cứ vào dịch tể, dịch bệnh ở trên địa bàn để vận dụng quy trình chăn nuôi gà có hiệu quả. Đặc biệt phải thường xuyên vệ sinh sát trùng, tiến hành dọn dẹp, phát quang xung quanh chuồng nuôi. Sau mỗi vụ phải vệ sinh chuồng trại kỹ càng để tiêu diệt mầm bệnh bảo vệ sức khỏe cho đàn gà.
Với những “Mùa quả ngọt” đã đạt được, Nguyễn Văn Nhị mong muốn sẽ xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh từ khâu nuôi, chăm sóc, sản xuất, làm sạch đóng gói hút chân không và cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, anh kỳ vọng sẽ nhân rộng và phát triển thêm 10 mô hình trên địa bàn tỉnh, cung cấp con giống, tổ chức tập huấn và bao tiêu đầu ra cho các bạn đoàn viên, thanh niên, bà con Nhân dân.
Có thể thấy, thành công từ mô hình nuôi gà thả đồi theo hướng sinh học của Nguyễn Văn Nhị đã thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, chuyển dần từ cách chăn nuôi gà nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học với quy mô đàn lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng.
Lệ Quyên (Tỉnh đoàn)/https://www.quangbinh.gov.vn/