Khởi sắc Yên Bình

Thấm thoắt đã 10 năm kể từ khi chuyển từ “kinh đô xứ Mường” (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về huyện Thạch Thất (Thủ đô Hà Nội), bản Mường vùng cao xã Yên Bình hôm nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Vùng quê nghèo khi xưa, giờ đã trù phú, đời sống người dân ngày một nâng cao; bản sắc văn hóa Mường được bảo tồn, phát triển…
Trồng rau hữu cơ ở trang trại Hoa viên thôn Thuống, xã Yên Bình.

Chuyện vượt khó, làm giàu

Yên Bình là xã lớn với diện tích hơn 2.000ha, có đồng bào 2 dân tộc chủ yếu sinh sống là Kinh và Mường, trong đó, 40% là người dân tộc Mường. Những mô hình làm giàu nơi bản Mường có thể thấy trên toàn xã. Hộ ông Đào Xuân Hùng và bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Dân Lập là ví dụ. Với diện tích đất vườn 3.700m2, vợ chồng ông Hùng đã chuyển từ trồng vải sang trồng bưởi. Yên Bình những ngày tháng 5 nắng nóng, nhưng ở khu vườn của gia đình ông Hùng mát rượi bởi 100 gốc bưởi đường Quế Dương, bưởi da xanh, bưởi Diễn mướt xanh, trĩu quả...

Vườn của gia đình ông Bùi Thanh Vân cùng thôn cũng có gần 1ha được trồng bưởi, nhãn; xung quanh trồng chuối. Dưới tán cây ăn quả, ông duy trì vườn chè. “Cây chè tuy thu nhập không cao nhưng ổn định. Mỗi sào chè cho thu nhập từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi có 2 mẫu chè, mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng” - ông Vân xởi lởi và cho biết thêm, trước đây vườn của gia đình trồng vải nhưng sâu bệnh nhiều, vải lại chín rộ nhanh nên tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyển sang trồng bưởi, gia đình được tham gia các chương trình “Nhịp cầu nhà nông” và các hội nghị tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả tại vùng trồng bưởi Tân Lạc (Hòa Bình) hay bưởi đường Quế Dương ở Hoài Đức (Hà Nội) do chính quyền địa phương tổ chức. Hiện nay, những người trồng bưởi ở Yên Bình đã biết cách “can thiệp” để cây ra hoa, đậu quả tốt hơn...

Quá trưa, trên cánh đồng thôn Dân Lập, bà Bùi Thị Phượng vẫn tranh thủ hái những trái ớt đến kỳ thu hoạch. Bà cho biết, trước kia, đất này trồng lúa nhưng từ năm 2016, gia đình chuyển sang trồng ớt cho Công ty TNHH Ớt Việt Nam.

“Thông qua hợp tác xã, chúng tôi ký hợp đồng với công ty giá thu mua thấp nhất là 5.000 đồng/kg, bảo đảm cho bà con có thu nhập; nếu thị trường tăng giá, công ty sẽ trả cao hơn. Năm nay bước sang năm thứ 3 trồng ớt, tính ra, mỗi sào ớt cho giá trị gấp 5-7 lần so với trồng lúa trước đây” - bà Phượng tâm sự.

Trên hành trình khám phá vùng đất Yên Bình, chúng tôi gặp ông Bùi Quang Hòa ở thôn Thuống - hộ đầu tiên chuyển sang trồng hoa hồng chậu trên diện tích hơn 2.000m2 - là mô hình mới hoàn toàn trên vùng đất này. Đặc biệt, Trang trại Hoa Viên với quy mô 60ha, vừa chăn nuôi lợn rừng, vừa trồng rau hữu cơ, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động địa phương...

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần thông tin, trước năm 2008, trên địa bàn xã, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 80%, nay chỉ còn 49%. Đất lúa được chuyển sang trồng hoa, trồng chuối, ớt xuất khẩu, cây ăn quả... Đến nay, Yên Bình đã có hơn 100ha bưởi, gần 10ha trồng ớt xuất khẩu, gần 10ha trồng hoa… Bên cạnh đó, đã có nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng… đạt hiệu quả cao.

Theo nhận xét của Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất Cấn Đình Trung, hiện nay, thu nhập bình quân của xã Yên Bình đã đạt 42 triệu đồng/người/năm và là xã có thu nhập cao nhất trong số 3 xã dân tộc miền núi cùng chuyển từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) về huyện Thạch Thất (Hà Nội). Hộ nghèo của Yên Bình chỉ còn 2,06%; nếu trừ đi số hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội thì số hộ nghèo còn lại chưa đến 1%...

Và diện mạo mới

Cùng Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy quân sự xã Yên Bình Đinh Như Hùng sải bước trên con đường liên xã nối từ Sân bay Hòa Lạc đi tỉnh lộ 446, chỉ vào tấm biển trên đường đề dòng chữ: “Đường thanh niên tự quản”, ông Hùng kể: "Những con đường mới trải nhựa thênh thang không những đã mang đến cho vùng quê diện mạo mới mà còn tạo điều kiện cho bà con giao lưu, phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Giờ đây, hầu hết hệ thống giao thông ở Yên Bình đều đã được bê tông hóa sạch sẽ. Nhiều tuyến đường được trồng hoa và giao cho các hội, đoàn thể tự quản”.

Điều này khiến chúng tôi khá bất ngờ bởi còn nhớ rất rõ ngày Yên Bình "về" Hà Nội, những con đường đều là đường đất, ngày mưa thì sình lầy, ngày nắng thì bụi mù mịt. Cơ sở vật chất gần như không có. Hồ đập xây dựng từ những năm 1960; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp bốn; tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 14%, thu nhập bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm...

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho hay, từ khi sáp nhập địa giới hành chính với Hà Nội, Yên Bình được thành phố và huyện quan tâm, dành nguồn lực lớn đầu tư cho địa phương. Qua 10 năm, đã có 22 công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư mới hoàn toàn. Hệ thống kênh mương, hồ thủy lợi được kè; giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trung tâm nhà văn hóa xã… được đầu tư với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

Còn nữa, trước khi “về” Thủ đô, mặc dù ở “kinh đô xứ Mường” Hòa Bình nhưng bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở chiều hướng mai một. Rất ít người dân tộc Mường ở Yên Bình khi đó có và mặc trang phục truyền thống; cồng, chiêng là bản sắc văn hóa của người Mường gần như không còn, thậm chí rất ít người biết sử dụng. “Về” Thủ đô, Ban Dân tộc thành phố và UBND huyện Thạch Thất đã hỗ trợ địa phương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Từ không có bộ cồng chiêng nào, đến nay, 10 thôn của Yên Bình đã có 13 bộ cồng chiêng. Huyện Thạch Thất và TP Hà Nội còn liên tiếp mở các lớp tập huấn, hội thi, hội diễn và biểu diễn văn hóa dân tộc Mường. Nhà văn hóa các thôn cũng được trang bị tủ quần áo dân tộc Mường để bà con được biết. Gần đây nhất, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30-4, Yên Bình tổ chức cho các thôn tham gia hội diễn cồng chiêng thu hút rất đông bà con tham gia...

Cùng với đó, an ninh nông thôn được bảo đảm; hằng năm, thanh niên Yên Bình xung phong lên đường nhập ngũ chiếm tỷ lệ cao. Mỗi năm, Yên Bình có khoảng 60 học sinh theo học các trường cao đẳng, đại học - điều này khác hẳn so với Yên Bình trước đây.

So với 10 năm trước, Yên Bình đã có được diện mạo mới; kinh tế khá giả, đời sống tinh thần được nâng cao. Đây là niềm vui, tự hào của người dân và cấp ủy chính quyền xã dân tộc miền núi Yên Bình sau tròn một thập niên là “người” Thủ đô. “Ngày mới” mang theo nhiều kỳ vọng đang đến với bản Mường vùng cao Yên Bình!
Theo Nguyễn Mai/Báo HNM.vn