Kiến trúc sư “thắng lớn” nhờ nuôi bồ câu Pháp

Kiến trúc sư “thắng lớn” nhờ nuôi bồ câu Pháp
Trang trại của anh đã đạt quy mô hơn 1.600 cặp chim giống, thu lãi 400 - 600 triệu đồng/năm.

Trần Anh (SN 1983) ở thôn Đông Tiến (Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từng bị cả làng cho là “khùng” khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc lại về quê nuôi chim bồ câu. Nhưng đến nay, trang trại bồ câu của chàng kiến trúc sư đã đạt quy mô hơn 1.600 cặp chim giống, thu lãi 400 - 600 triệu đồng/năm.

 

Làm giàu trên quê hương

Mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình, năm 2012, Trần Anh ra Bắc Giang tham quan các mô hình chăn nuôi, thấy loài bồ câu Pháp nhiều hộ nuôi rất hiệu quả. Về nhà, Anh vùi vào đống sách vở, tài liệu về cách nuôi, chăm sóc, nghiên cứu thị trường.

Kiến trúc sư “thắng lớn” nhờ nuôi bồ câu Pháp - 1

 Trần Anh đang tư vấn cách nuôi chim bồ câu Pháp cho người dân trong huyện.

Cuối năm 2012, Anh quyết định đầu tư xây chuồng và mua con giống nuôi chim bồ câu Pháp với quy mô 200 cặp chim giống. Năm đó, tiền bỏ ra xây chuồng và mua 40 cặp chim bố mẹ lên tới 700 triệu đồng.

Trần Anh cho biết, chọn chăn nuôi bồ câu Pháp bởi sản phẩm bồ câu Pháp nhiều người ưa chuộng, chất thịt rất thơm ngon, bổ dưỡng. Đối tượng tiêu thụ không chỉ có các nhà hàng, khách sạn mà còn có cả người dân ở địa phương nên đầu ra khá ổn định, đều đặn. 

Số lượng nuôi hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu. Chim bồ câu phát triển nhanh, từ khi nở đến khi ra ràng chỉ 45 ngày. Bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Nguồn thức ăn cho chim cũng rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là các loại gạo, bắp, đậu... Mỗi ngày chỉ cho ăn 2 lần, tránh dư thừa thức ăn, vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư vừa giảm nguy cơ ô nhiễm chuồng nuôi.

Người nuôi có thể cho ăn thêm thức ăn công nghiệp nhằm tăng cường chất dinh dưỡng để kích thích chim chóng lớn. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, anh nhân rộng mô hình nuôi lên hơn 1.600 cặp bồ câu giống. Sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp, Trần Anh cho biết: Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tuân thủ các kỹ thuật nuôi theo quy định, như diện tích chuồng trại, lồng nuôi, máng đựng thức ăn, nước uống, xử lý phân thải, phòng ngừa dịch bệnh. Chuồng trại phải theo quy trình khép kín, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, diện tích mỗi lồng nuôi phải đảm bảo cho số lượng bồ câu theo quy định. 

“Chim bồ câu dễ tính, ít bị bệnh, chỉ cần chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, chủ yếu thóc và ngô, nước uống sạch. Cần tiêm phòng và tẩy giun sán định kỳ hàng năm, thường xuyên bổ sung Vitamin B1, Vitamin C cho chim. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, cần cho bồ câu uống thuốc phòng bệnh hen và ỉa chảy 2- 3 ngày…”, Anh nói.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế

Đến nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp với quy mô lớn của gia đình Trần Anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều đoàn viên, thanh niên cũng như bà con trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.

Trần Anh được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB thanh niên phát triển kinh tế huyện Kỳ Anh với 58 hội viên là thanh niên phát triển nhiều mô hình kinh tế như: Trang trại, gia trại, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bao tiêu sản phẩm,…

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, Trần Anh cho biết trong thời gian tới câu lạc bộ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, đặc biệt là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp nhằm đáp ứng nhu cầu bồ câu giống và cung cấp chim thịt cho thị trường tiêu thụ.

Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, Trần Anh là một trong những nhà nông trẻ xuất sắc thành công với mô hình nuôi bồ câu Pháp, vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng. 

“Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế huyện Kỳ Anh mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho huyện. Tỉnh Đoàn sẽ luôn tạo điều kiện cho những thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để những thanh niên trẻ như Trần Anh có thể mở rộng quy mô trang trại, góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp và khẳng định được vai trò của thanh niên trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” anh Hoàn nói.