'Kiện tướng' nuôi heo

Bà Lê Thị Hoa (tổ 5, ấp Tân Sơn, xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được nhiều người biết đến là người chăn nuôi heo giỏi với tổng đàn lên đến 500 con...
Trại heo của bà Hoa luôn có người túc trực để theo dõi, chăm sóc

Nhắc đến bà Hoa, nhiều người trong xã Châu Pha tắm tắc khen vì khả năng làm giàu từ nghề chăn nuôi heo của bà. Khi chúng tôi đến gặp, đúng lúc bà đang tất bật chăm hai cháu nội của mình. Nở nụ cười, đôi mắt ánh lên niềm vui, bà nói: “Hồi xưa mải miết làm kinh tế, chăn nuôi hàng trăm con heo, giờ vừa nuôi heo lại vừa… ẵm thêm hai cu cậu này nữa đây!”.
 

Bà đã ở tuổi ngoài 50, nhưng khi kể về cơ duyên đến với chăn nuôi, bà vẫn hào sảng và cười không ngớt. Từ năm 1998 - 1999, bà cùng chồng từ Thanh Hóa lặn lội vào Châu Pha lập nghiệp. Hồi ở ngoài quê, bà cũng lao động cật lực từ nấu rượu, làm lúa, cho tới chăn nuôi heo, cày cực cả ngày lẫn đêm mà tiền bạc dành dụm không được là bao, nghèo vẫn cứ nghèo.
 

Nhận thấy cuộc sống quá vất vả, chồng bà quyết đưa gia đình vào Nam lập nghiệp. Đến Châu Pha, hai vợ chồng tìm kiếm một mảnh đất rẫy gần 9 sào để làm kinh tế. Từ đó bà mới hiểu ra, đây sẽ là cơ hội để làm giàu. 

Ở xã Châu Pha, ai cũng biết bà Hoa xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi với vườn cây, ao cá... là nhờ nghề nuôi heo an toàn sinh học. Hiện mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, đàn heo của bà mang lại lợi nhuận ròng 600 - 700 triệu đồng. Đây chính là “trái ngọt” của cả quá trình cố gắng, cần cù, nỗ lực và gắn bó với nghề chăn nuôi của "nữ tướng" này.

Cả gia tài chỉ có chừng đó đất đai, đều một tay bà xử lý, trồng trọt đủ loại cây từ những gì đã làm ở ngoài Bắc. Chồng thì đi làm xa, sớm thì vài ngày, lâu thì cả tuần, mình bà cáng đáng mọi việc.
 

Đất không phụ người, sau nhiều năm làm lụng, tích cóp, bà cũng dành được một ít vốn để chuyển qua chăn nuôi. Bàn với chồng, bà cho rằng chỉ có chăn nuôi mới có thể giúp gia đình khá lên nhanh.

Từ đó, hai vợ chồng đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, chọn mua heo giống tốt để phát triển kinh tế. Năm đầu tiên, bà đầu tư chục con heo nái, vài chục con heo thịt. Song song với đàn heo, bà cũng chăm chút thêm vài chục con gà, nhằm tăng cường thức ăn cho gia đình và bán khi cần tiền để đầu tư tiếp.
 

Sau vài năm kiên trì nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học, tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, không sử dụng chất cấm, vợ chồng bà liên tục thu lợi nhuận vì đàn heo xuất chuồng nhanh, khỏe mạnh, được lái trả giá cao. Một phần bà dành tiếp tục đầu tư, phần còn lại bà lo 3 con ăn học đại học và chi tiêu trong gia đình.


Vào thời điểm năm 2007 - 2008 dịch heo tai xanh bùng phát dữ dội, đàn heo của bà Hoa cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm của mình, trang trại của bà đã vượt qua “cơn bão”, Bà càng tự tin hơn vào con đường chăn nuôi an toàn sinh học.

Qua đợt đó, bà quyết tâm cải tạo chuồng trại bài bản, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi an toàn để ngăn ngừa dịch bệnh, đồng thời học hỏi thêm các kiến thức về dinh dưỡng và môi trường chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, giúp tăng năng suất và chất lượng đàn heo.
 

Đến nay, hệ thống chuồng trại của gia đình bà Hoa khá bài bản, có quy mô chăn nuôi 400 heo thịt và gần 100 heo nái. Để tăng tính chuyên nghiệp, bà đã thuê thêm công nhân trông coi và chăm sóc 24/24 giờ, đồng thời đào tạo bài bản kiến thức cho công nhân để họ có thể đảm trách hầu hết các khâu trong quá trình chăn nuôi.

Minh Trường
Nguồn: Theo NNVN