Kinh nghiệm đào ao để thu giữ nước mưa ở vùng đồi núi của nông dân Philippine
- Thứ ba - 02/06/2015 23:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong quý III năm 2014 tôi may mắn có dịp được tham gia cùng đoàn cán bộ của các đối tác dự án “Nông Lâm kết hợp cho sinh kế các hộ gia đình vùng Tây Bắc Việt Nam” thuộc Tổ chức Nông lâm thế giới (ICRAF) thực hiện chuyến tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm trên thực địa về nông lâm kết hợp (NLKH) do Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm quốc tế Việt Nam tổ chức tại Claveria, tỉnh Cagayan de Oro, Philippine.
Điều kiện địa hình, đất đai tại Claveria cũng cao và dốc, một số nơi đất cũng bị xói mòn, bạc màu theo thời gian nên không khác Sơn La và các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam là mấy.
Được cùng đoàn đi thăm thực tế, tôi rất ấn tượng với các hệ thống NLKH với các loài cây khác nhau, phù hợp với từng tiểu vùng tiểu sinh thái, địa hình và tập quán sinh sống của người dân bản địa tại Claveria. Các hệ thống NLKH này giúp đảm bảo sinh kế của người dân, làm đa dạng cảnh quan và hướng tới sử dụng bền vững tài nguyên môi trường. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với các hệ thống NLKH trong đó có các ao chứa đầy nước nằm ở các thung lũng hoặc khe các núi đất, núi đá cao và dốc. Đây là nơi vừa để người dân thả cá nhằm cải thiện đời sống, nơi để cung cấp nước tưới cho các loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp, ngoài ra còn là nơi cung cấp nước uống cho gia súc, gia cầm. Ở Claveria, tỉnh Cagayan de Oro, Philippine, hàng năm cũng có mùa mưa và mùa khô, nhưng qua trao đổi chúng tôi được biết trong mùa khô các ao ở đây vẫn không bị cạn nước như các ao một vụ ở Sơn La. Giải đáp cho những băn khoăn của chúng tôi, chuyên gia ICRAF - ông Agustin Mercado jr, Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo bảo tồn Nông nghiệp với các loại cây dài ngày Claveria cho biết: Bí quyết trong mùa khô mà các ao tự tạo để thu giữa nước mưa ở Claveria vẫn chứa nhiều nước không bị khô cạn là cách lựa chọn địa điểm và cách thức đào đắp ao, làm thế nào để khi mưa thì nước chảy về ao nhưng khi hết mưa trong thời gian dài nước vẫn được lưu giữ không bị thấm qua bờ và phía đáy ao…
Để tiếp tục minh chứng cho lời nói của mình, ông Agustin Mercado jr đã đưa chúng tôi đi thăm quan để trực tiếp ‘mục sở thị” một nhóm người dân đang đào và đắp ao.
Qua quan sát chúng tôi thấy: tiêu chí địa điểm lựa chọn để đào ao thu giữ nước mưa của người dân ở đây là các thung lũng hoặc khe các núi đất, núi đá, nơi có thể thu nước mưa chảy về khi trời mưa to, nhưng phải có nền đất thuần không vướng đá để người có thể dùng trâu cày xúc sâu được. Về công cụ để đào và đắp ao: chỉ dùng sức người để điều khiển trâu cày, xúc đất, đầm đáy ao và xung quanh bờ ao; không dùng máy cày hay máy đầm, máy xúc. Cách thức đào đắp ao: Người thứ nhất điều khiển trâu cày nền đất (dự kiến là lòng ao) cho tơi xốp; người thứ 2,3 điều khiển trâu xúc và kéo đất vừa cày (Dùng trang gỗ để xúc và kéo đất dần đắp lên xung quanh bờ ao). Sau khi cày và xúc kéo đất đã đảm bảo diện tích lòng ao theo dự kiến, phải huy động thêm trâu để đầm bờ xung quanh ao và đáy ao cho chắc để ao không bị thoát nước qua bờ và đáy ao. Cách đầm: Dùng 4 – 10 con trâu buộc vào nhau, 1 người điều khiển, đầm trong 01 ngày.
Qua trao đổi được biết sở dĩ người dân Claveria dùng trâu để người điều khiển đào và đắp ao là do trâu có móng sâu, có độ nặng, khi đầm đáy và bờ ao, đất sẽ được nén rất khít và rất chặt nên bờ sẽ rất chắc, do đó ao ít bị thoát nước qua đáy và bờ ao xung quanh.
Theo kinh nghiệm của người dân Philippine, Để hoàn thành 01 ao có thể tích tối thiểu khoảng 24 m3, cần 04 người điều khiển 04 con trâu làm trong 01 ngày để vừa đào vừa xúc kéo đất đắp bờ ao. Để đầm bờ và đáy ao cần 01 người điều khiển từ 4 - 8 con trâu (buộc cột đầu vào nhau) dắt xung quanh bờ ao trong một ngày để đầm bờ và đáy ao. Ngoài ra trong quá trình dùng trâu đực để đào và đắp ao, cứ 3-4 con trâu đực nên có 01 con trâu cái để chúng hiền hơn và ít húc nhau. Với kinh nghiệm trên, các ao được người dân Claveria, tỉnh Cagayan de Oro, Philippine tự tạo để thu giữ nước mưa đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Từ kinh nghiệm trên của người dân nước bạn, tôi thiết nghĩ: Đối với các tỉnh miền núi như Sơn La, diện tích canh tác đa phần là đất cao dốc, nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp trên đồi núi cao chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, mưa hàng năm lại tập trung theo mùa, các tháng mùa khô thiếu nước nghiêm trọng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Chính vì vậy để có nước phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi trong các tháng mùa khô, không mưa ở những địa bàn không có sông, suối, mó nước ngầm,… Hiện nay mùa mưa đã đến gần, người dân vùng đồi núi cao có thể tham khảo kinh nghiệm, cách thức đào ao để thu giữ nước mưa của người dân Claveria, tỉnh Cagayan de Oro, Philippine sẽ có nhiều hữu ích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của gia đình ./.