Kỳ công bí quyết in hình bản đồ Việt Nam lên bưởi
- Thứ hai - 12/12/2016 10:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tình Đồng Nai) đã tạo ra những quả bưởi có hình bản đồ Việt Nam. Ông Sơn tiết lộ bí quyết về cách tạo hình độc đáo này không hề đơn giản mà hết sức công phu, tinh tế. Mọi bước tạo hình phải được chú trọng từ khâu ban đầu như chọn khuôn, ép hoa, tỉa cành… đến việc hình thành bản đồ là cả quá trình không hề dễ dàng, kể cả chấp nhận thất bại nhiều lần, chịu thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Sơn chia sẻ về những bí quyết tạo hình bản đồ Việt Nam trên quả bưởi.
Chia sẻ về kinh nghiệm tạo hình trên bưởi, ông Sơn kể, việc đầu tiên là xác định ý tưởng, tiếp đến chờ đến tháng 2 hàng năm là mùa bưởi cho ra hoa thì phải liên hệ những nơi khác để đặt khuôn theo hình muốn tạo.
Khâu cần lưu ý nhất trong việc tạo hình là khi đem khuôn về phải dùng màu sơn để sơn vào hình lên khuôn. Không phải sơn khuôn thích màu nào cũng được, mà nên chọn những màu tối để tránh được màu xanh của chất diệp lục trên quả bưởi cho nền nổi bật.
“Tôi bắt đầu tạo hình lên quả bưởi cách đây 6 năm. Lần đầu tiên vào năm 2000, tôi dành 500 quả cho việc tạo hình. Đến khi thành phẩm thì hỡi ôi, chỉ thành công 5 quả, tỷ lệ thành công là 1%. Mùa đó, tôi lỗ mấy chục triệu đồng. Nhưng tôi không nản chí, đến mùa sau, tôi vẫn quyết định tạo hình tiếp, với việc rút kinh nghiệm cho thất bại lần đầu, đồng thời áp dụng một số cách mới, thì với 500 quả lần này, tôi chỉ làm hoàn hảo 12 quả.
Vườn bưởi của ông Sơn sẽ cung cấp cho thị trường tết khoảng 25 tấn.
Đến sau này, tình cờ trong chuyến học tập do chính quyền tổ chức, tôi có quen biết, rồi trao đổi với 1 chuyên gia tạo hình ở miền Tây. Với mong muốn tạo hình trên quả bưởi theo ý thích của riêng mình, tôi tìm đến tận nơi để thuê chuyên gia lên vườn để giúp tôi tạo hình và chăm sóc, bảo quản... Mùa đó, thành phẩm đạt được là 60%.
Việc tạo ra 1 sản phẩm mới, dựa trên những ý tưởng không phải dễ dàng, bởi ý tưởng của nông dân có thể bị người khác làm theo vào mùa sau. Nếu đặt khuôn thời gian đầu sẽ mất số tiền rất lớn”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn chia sẻ, vào khoảng đầu tháng hai, khi vườn bưởi ra bông thì đem khuôn về. Đến khoảng tháng tư, trái bưởi to bằng cái chén thì bắt đầu khâu chọn quả.
Những quả bưởi được chọn để tạo hình phải là những quả bưởi đẹp, màu sắc láng bóng, sáng đều, lớn nhanh hơn những trái bình thường. Đặc biệt, bưởi được chọn tạo hình không có dấu hiệu của sâu bệnh, đáy bưởi tròn chĩnh...
“Trong lúc chọn bưởi, hàng ngày, vào buổi sáng sớm người làm phải ra vườn rồi dùng dây đánh dấu những quả được chọn. Sau 1 tuần quan sát thì bắt đầu ráp khuôn.
Cho khuôn vào không có nghĩa là đã hoàn thành rồi bỏ đó, mà phải quan sát thật kỹ hàng ngày để xử lý kịp thời. Thời điểm cho bưởi vào khuôn khoảng tháng 6,7, đây là thời gian miền Nam hay mưa dầm, nên sâu bệnh có cơ hội phát triển. Nước mưa sẽ theo cuống trên khuôn hình rơi vào quả bưởi, không xử lý kịp quả sẽ úng. Vì vậy, sau khi mưa, phải dùng kim chích các lỗ nhỏ cho nước thoát ra bên ngoài.
Nhằm tránh ánh nắng trực tiếp, người trồng phải dùng giấy để che.
Do sử dụng vật liệu tạo hình là nhựa mềm, nên khi thời tiết nóng thì nhựa sẽ giãn nở làm trái bị nám, lúc đó phải dùng các miếng lót bằng giấy chặn bên trên để tránh ánh sáng trực tiếp. Không những thế, người tạo hình phải hết sức lưu ý khi trời trở gió, bởi gió làm cho trái đong đưa, cuống bị lệch không theo hình ban đầu, vì vậy phải cân chỉnh sửa sao cho hợp lý”, ông Sơn chia sẻ.
Dự kiến trong dịp tết 2017, ông Sơn tung ra thị trường 25 tấn bưởi mang thương hiệu Tân Triều, trong đó, có 500 quả in hình các loại bản đồ Việt Nam, tài lộc, thỏi vàng…