Kỹ sư IT bỏ việc, khởi nghiệp nghiên cứu ươm trồng nhộng trùng thảo
- Thứ tư - 16/03/2016 21:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2006, Lê Ngọc Tuyền thi đậu vào một trường đại học chuyên ngành công nghệ thông tin ở TP HCM, và có việc làm ngay khi ra trường. Tuy công việc ổn định và thu nhập khá tốt, nhưng là người dám chấp nhận mạo hiểm, Tuyền vẫn quyết định chọn ngã rẽ mới.
Năm 2013, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Hàn Quốc bắt đầu quảng bá nhiều ở Việt Nam và trong nước cũng đã sản xuất được. Nhận thấy đây là dòng sản phẩm rất được ưa chuộng và có thể đem lại thu nhập cao, Tuyền quyết tâm tìm hiểu về sản phẩm này. Qua nghiên cứu, thấy việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo khó khăn hơn, chàng kỹ sư IT chọn nuôi nhộng trùng thảo và lấy Đà Lạt làm địa điểm phát triển vì có khí hậu phù hợp.
Tuyền giải thích, nuôi trồng đông trùng hạ thảo là cấy cây nấm phát triển ký sinh trên con nhộng từ mùa đông sang mùa hạ (6 tháng) mới thu thành phẩm. Còn nuôi trồng nhộng trùng thảo cũng tiến hành tương tự, nhưng thời gian hoàn thành chỉ từ 60 đến 70 ngày ở mọi thời điểm trong năm. Dược chất của đông trùng hạ thảo thường cao hơn so với nhộng trùng thảo.
Với số vốn ban đầu chỉ hơn trăm triệu, Lê Ngọc Tuyền thuê nhà trọ ở Đà Lạt để tìm hiểu, nghiên cứu, rồi đến các viện nghiên cứu, trường đại học… làm quen xin chỉ dẫn từ những cán bộ nghiên cứu khoa học đã từng làm hoặc đang nghiên cứu đề tài về nhộng trùng thảo và đông trùng hạ thảo. Điều may mắn là Tuyền được mọi người chỉ dẫn tận tình. Tuy nhiên, bắt tay vào làm anh gặp thất bại khá nhiều lần, nhưng cuối cùng cũng thành công khi kết hợp với một vài người bạn ở Đà Lạt có cùng đam mê để ra một qui trình cho riêng mình.
Tuyền chia sẻ, để nuôi trồng nhộng trùng thảo, trước tiên cấy ký sinh cây nấm vào nhộng tằm, rồi kết hợp giá thể là gạo lứt. Nhộng trùng thảo thích hợp phát triển với điều kiện khí hậu tự nhiên của Đà Lạt, nhiệt độ nuôi trồng luôn đảm bảo từ 20 đến 22 độ C, mà ở Đà Lạt buổi trưa trong nhà là thời điểm nóng nhất cũng chỉ 23 độ C nên không cần dùng tới máy lạnh. Ánh sáng thì cần từ 60 đến 70% và độ ẩm 80%. Tại Đà Lạt độ ẩm thường rất cao, nếu những lúc độ ấm thấp chỉ cần áp dụng một vài biện pháp kỹ thuật đơn giản là có thể khắc phục. Quan trọng là phải giữ vườn ươm sạch, tránh ẩm mốc làm cho nấm nhiễm khuẩn kém phát triển hoặc hỏng hàng loạt.
Hiện tại nhà ươm trồng nhộng trùng thảo của Tuyền ở Đà Lạt rộng 300m2. Anh cho biết, mật độ nuôi trồng tốt nhất là 12.000 lọ trên 100m2, nếu cao hơn mức đó chất lượng sẽ kém đi. Sau 2 tháng nuôi, mỗi lọ bên trong có 25-30 cây nấm, Tuyền xuất bán với giá 600.000 đồng một lọ, trung bình 40 lọ được một kg tươi. Nếu là nhộng trùng thảo khô thì có giá 150 triệu đồng một kg vì phải qua công đoạn sấy.
Nhộng trùng thảo rất dễ sử dụng, chỉ cần ngắt cây nấm ra rồi ngâm với mật ong, hoặc ngâm rượu hay pha trà, thậm chí có thể nấu cháo, hầm với gà, vịt đều dùng được. Nếu để nhộng trùng thảo vào tủ lạnh thì bảo quản được 2 tháng, còn sấy khô có thể bảo quản cả năm.
Tuyền cho biết thêm, ban đầu, sản phẩm khô phải sấy thủ công rất vất vả nhưng từ đầu năm nay khi anh và các đồng sự lập công ty, đã quyết định đầu tư500 triệu để mua máy sấy lạnh theo đúng qui trình.
Vào tháng 10/2015, Tuyền đưa mẫu nhộng trùng thảo kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng TP HCM (Bộ Y tế) đã đạt kết quả dược tính khá cao (tỷ lệ 9,4mg/g dược chất cordycepin và 1279,59mg/kg của đông trùng hạ thảo trong tự nhiên), giúp công ty tăng nhanh đơn đặt hàng từ Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Nhiều khách hàng phía Bắc còn thích mua giống về tự nuôi trồng, nên Tuyền bán một lọ giống cho khách là 90.000 đồng.
Dự định của Lê Ngọc Tuyền và các đồng sự là cố gắng năm nay nâng diện tích ươm trồng lên gấp đôi, nhưng bài toán khó vẫn là vốn. Tuy đã thành công ban đầu, nhưng lợi nhuận lâu nay đều dồn vào vốn và thanh toán vốn vay. Trong tương lai, Tuyền sẽ tập trung nghiên cứu thêm một số dòng thảo dược phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu, thị hiếu của thị trường.