Lâm Đồng: Mê lan rừng từ nhỏ, chàng quản lý 9x sở hữu vườn lan “khủng”
- Chủ nhật - 08/04/2018 21:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không khó để tìm đến nhà anh Nguyễn Anh Sơn (SN:1991) ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bởi anh đang làm quản lý cho nhà hàng tiệc cưới của gia đình, cũng là nhà hàng lớn nhất nhì nơi đây.
Mọi người thường chỉ biết đến anh Sơn với vai trò quản lý nhà hàng, nhưng mấy ai biết chàng trai trẻ này đang sở hữu vườn lan rừng “khủng”. Đặc biệt, 9x này còn có biệt tài chăm sóc lan thủy tiên và kim điệp ra hoa rất đẹp, nở rộ đúng vào dịp Tết cho đến nay vẫn chưa tàn.
Dẫn mọi người vào tham quan khu vườn trên tầng thượng của ngôi nhà, anh Sơn cho biết, khu vườn chỉ rộng tầm khoảng 140m2 nhưng chứa đến hơn 200 giò lan được anh sưu tầm và trồng từ nhỏ. Sở dĩ anh phải đặt trồng lan trên đây và rào kín lại là để tránh bị mất trộm, vì các loại lan quý thường bị “dòm ngó”.
Mới 7 tuổi anh Sơn đã biết đến cây lan, bởi trước nhà anh khi đó toàn cà phê, trong vườn cà phê có một cây đa rất to. Khi người ta chặt cành xuống thì có những nhánh lan rừng nhỏ, thấy mấy anh trong xóm nhặt về nên anh Sơn cũng đem về trồng thử.
Ban đầu, chỉ là những chiếc chai nhựa anh Sơn mang về cắt lấy phần đáy rồi cho mùn cưa và gỗ mục vào để trồng, thế nhưng cây của anh không ra hoa như mong muốn.
Hồi nhỏ thích cây vì thấy nó ra hoa đẹp, vì không có điều kiện cũng như chưa kiến thức nhiều về hoa nên anh Sơn chưa chú trọng vào việc trồng cây lắm. Càng lớn lên anh Sơn nhận thấy mình thực sự yêu thích loại cây này nên bắt đầu tìm hiểu để đầu tư trồng bài bản.
Để nuôi dưỡng đam mê, đến năm 19 tuổi, khi đã đi làm và có tiền anh Sơn mới bắt đầu sưu tầm những loại lan trong đó có: thủy tiên, long tu, kim điệp, quế hương… và bắt đầu tìm hiểu cách trồng lan và những giá thể phù hợp cho từng loại lan.
Anh Sơn chia sẻ, loại giá thể thường sử dụng để trồng lan là dớn đá, thủy tiên phù là loại hợp nhất với dớn đá. Ngoài ra, với kim điệp thì các giá thể như các cây cà phê, nhãn, cây vú sữa cũng phù hợp. Nếu trồng cây từ nhỏ thì nên duy trì chế độ tưới thường xuyên. Chỉ nên tưới 1 buổi trong ngày vào thời gian nhất định, không nên thay đổi thời gian tưới để cây thích nghi và phát triển.
“Thủy tiên và kim điệp thuộc loại lan hoàng thảo, ra hoa vào mùa xuân, vì vậy cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để cây ra hoa đúng dịp tết Nguyên Đán. Gần đến Tết, tôi phải ngưng tưới nước khoảng 15 ngày, sau đó cây sẽ khô lại, lúc này cây sẽ dồn hết sức lại để mầm hoa phát triển rồi nở đúng thời gian mình mong muốn”, anh Sơn chia sẻ thêm.
Ngoài thời làm trong nhà hàng, những lúc rảnh rỗi, anh lại vào vườn lan, rồi lên mạng internet tìm hiểu về lan và “giao lưu lan” với những người yêu lan, có kinh nghiệm để học hỏi và chia sẻ cách chăm sóc lan.
Hiện trong vườn lan của anh Sơn có hơn 40 giò lan thủy tiên và 50 giò kim điệp đều ra hoa rất đẹp và có những giò lan cực khủng có giá trị lên đến 20 triệu đồng/giò. Và còn có nhiều giò lan phi điệp tím được dân chơi lan đánh giá là khủng nhất Lâm Đồng.
9x Nguyễn Anh Sơn cho hay, năm 2017, vừa qua anh bán ra thị trường nhiều giò lan lớn tổng cộng khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, tại Festival hoa Đà Lạt 2017 vừa qua, anh đã bán một giò lan quế lan hương với giá 100 triệu đồng cho một vị khách ở Nam Định. Bên cạnh đó, anh mua lan về vườn khoảng 200 triệu, sau khi trừ chi phí tính ra anh cũng lãi hơn 300 triệu đồng.
Ngọc Hà/dantri.com.vn