Lâm Hà nỗ lực với mục tiêu gia tăng thu nhập bình quân đầu người
- Thứ bảy - 03/02/2018 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát huy lợi thế nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: H.Y |
Khai thác thế mạnh nông nghiệp
Huyện Lâm Hà đang tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và tỷ trọng sản xuất các loại rau, hoa theo hướng chất lượng cao; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân với nhau qua hình thức tổ hợp tác (THT) hay hợp tác xã (HTX), giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa sản xuất nông nghiệp lên quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phúc Thọ (300 ha), xã Đạ Đờn (200 ha), xã Gia Lâm (500 ha), xã Phúc Thọ (277,5 ha) nhằm đảm bảo ngành phát triển ổn định, bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực của thị trường.
Năm 2017, tổng giá trị sản xuất (theo giá 2010) toàn huyện đạt 9.690,4 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2016. Trong đó: Khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 4.818,4 tỷ đồng, tăng 4,8%/kế hoạch (KH) 5,1%; Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.968 tỷ đồng, tăng 11,1%/KH 14,2%; Khu vực thương mại dịch vụ đạt 2.904 tỷ đồng, tăng 11,9%/KH 12,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất theo giá thực tế: Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 47,56%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,1%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 33,35%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 196.678 triệu đồng/KH 96.150 triệu đồng, đạt 204,6% dự toán tỉnh giao. |
Đặc biệt trong năm 2017, huyện đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm hỗ trợ cho các mô hình THT sản xuất và chăn nuôi dưới hình thức vốn quay vòng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp. Đây là cách làm mới được người dân ủng hộ, do đã tạo được sự chủ động trong sản xuất và khắc phục những hạn chế của các hình thức hỗ trợ trước đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân lên mức khá. (Năm 2017, đã hỗ trợ cho 16 THT/36 thành viên vay vốn để xây dựng, phát triển các mô hình trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi bò thịt, trồng rau, hoa công nghệ cao, trồng quýt đường canh, cây mắc ca với tổng kinh phí 797 triệu đồng).
Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, bước sang năm 2018, huyện phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Duy trì ổn định và tập trung thâm canh diện tích cà phê hiện có bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; thực hiện sản xuất cà phê theo hướng sạch, bền vững. Ổn định diện tích cà phê toàn huyện khoảng 40.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha; trồng mới chuyển đổi, tái canh 500 ha, ghép cải tạo 500 ha. (Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ đạt 12.000 ha); trồng mới 170 ha các giống dâu có năng suất cao, nâng tổng diện tích đạt 2.250 ha, năng suất trên 280 tạ/ha; duy trì diện tích cây chè 272 ha, năng suất bình quân đạt trên 130 tạ/ha. Tiếp tục thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao, phấn đấu diện tích tăng thêm đạt khoảng 30 ha, nâng tổng số diện tích canh tác rau, hoa theo hướng công nghệ cao đạt 270 ha (rau 180 ha, hoa 90 ha). Phát triển đàn vật nuôi, đàn heo đạt khoảng 127.573 con, đàn trâu 370 con, đàn bò 9.300 con, đàn gia cầm đạt khoảng 860.000 con. Duy trì 250 trang trại hiện có, cấp thêm 20 giấy chứng nhận kinh tế trang trại…
Tập trung phát triển vùng đồng bào DTTS
Kinh tế, đời sống và thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lâm Hà chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ yếu như cà phê, dâu, lúa nước và một số loại hoa màu khác. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thế nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS đã được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Đến nay, có nhiều hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi. Ông K’BRối, xã Liên Hà cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn vì chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, nên cứ luẩn quẩn trong đói nghèo. Cuộc sống của gia đình thật sự thay đổi kể từ khi Nhà nước có chính sách cho hộ đồng bào DTTS vay vốn phát triển kinh tế, đồng thời cử cán bộ xuống hướng dẫn khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp. Từ đây, tôi đã thay đổi dần tư duy lạc hậu, không còn trông chờ vào Nhà nước mà nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Giờ nhìn bà con mình ai cũng chăm lo sản xuất, có cuộc sống ấm no, con cháu được đến trường, mình thật mừng lắm. Các chính sách dành cho đồng bào DTTS được thực hiện hiệu quả đã làm giảm rõ rệt số hộ nghèo vùng DTTS theo từng năm”.
Ông Nguyễn Minh An nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người, huyện hết sức quan tâm tới phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS . Qua đó, các ngành chức năng đã quan tâm tăng cường triển khai tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gắn với chương trình khuyến nông vùng đồng bào DTTS. Khuyến khích đồng bào các DTTS ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh tăng năng suất cây trồng theo hướng bền vững; dùng phân bón vi sinh cải tạo vườn, đồng ruộng; mở rộng hệ thống thủy lợi nhỏ để tưới tiêu trong mùa khô; tăng cường sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS của huyện cơ bản đã hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, đầu tư thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu trong vùng đồng bào DTTS: xây dựng vườn hộ - chăn nuôi - quản lý bảo vệ rừng.
Phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung còn 3,11%, trong đó hộ nghèo là người DTTS còn 8,35%. Khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo, hạn chế tái nghèo. Phấn đấu giảm nghèo trên 4% đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 70 lao động, đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động theo chương trình đào tạo nghề nông thôn.
Vận động bà con DTTS thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng cầm tay chỉ việc, thực hành là chính để nâng cao thu nhập nhằm ổn định đời sống, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Theo Hoàng Yên/Báo Lâm Đồng.vn