Làm giàu nhờ cây vú sữa

Làm giàu nhờ cây vú sữa
Ông Võ Văn Nam, xã Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn, giúp gia đình mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nam bên cây vú sữa
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, lão nông Võ Văn Nam gần 70 tuổi kể về quá trình đưa ông đến với cây vú sữa Lò Rèn. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng một số loại cây có múi như cam, bưởi, quýt…Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác, nếu được mùa thì lại rớt giá, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn. Khi đó, phong trào trồng vú sữa bắt đầu xuất hiện tại địa phương, ông đã bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thị trường và chuyên tâm đầu tư vào loại cây ăn trái mới này.
 
Ông cho biết: “Vú sữa là loại cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất cao, nơi có mực nước phù sa lên xuống, nhưng người trồng cũng phải nắm vững kỹ thuật từ lúc chọn giống, lên liếp cho tới lúc bón phân, bẻ trái. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái và từ ngày vú sữa ra hoa cho đến khi chín mất khoảng 8 đến 9 tháng, 1 năm chỉ cho 1 vụ trái nhưng kéo dài đến vài tháng. Nếu chăm sóc tốt, đúng kĩ thuật thì năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước”. Hiện tại, vú sữa Lò Rèn đang vào mùa thu hoạch nên giá không cao, vú sữa loại 1 được gia đình ông Nam bán cho thương lái với giá 16.000 - 18.000 đồng/kg, cứ 2 ngày hái 1 lần, mỗi lần từ 200 đến 300kg. Ông Nam cho biết, nếu là vú sữa Lò Rèn đầu mùa thì giá không dưới 30.000 đồng/kg. Vú sữa càng lâu năm, tàn càng lớn, trái càng nhiều.

 
Gắn bó với cây vú sữa đã hơn 20 năm, ông Nam đã tích lũy được cho mình khá nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh để bảo vệ vườn vú sữa. Ông nói: “Trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali nên tưới liên tục trong giai đoạn đầu để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát. Sau mỗi vụ tho hoạch cần phải cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật để giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, chú ý phun thuốc để ngừa ruồi và sâu đục trái, đây là 2 loại sâu gây hại nặng nhất đối với trái vú sữa”.
 
 
Ngoài ra, ông Nam còn tận dụng đất trồng xen canh thêm bưởi da xanh, ruột hồng. Hiện tại, bưởi đang cho thu hoạch, chỉ tính riêng đợt tết nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, gia đình ông thu hơn 40 triệu đồng tiền bưởi. Hàng năm sau khi trừ các chi phí, vườn bưởi và vú sữa mang về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng.

 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong phong trào Hội Nông dân tại địa phương ông Nam luôn là một hội viên tích cực, chia sẻ kinh nghiệm trồng vú sữa cho bà con. Ông còn hỗ trợ cây giống vú sữa, bưởi với giá rẻ, cho mượn tiền không tính lãi đối với bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng là người xung phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động bà con hiến đất làm cầu, đường, tạo sự khang trang, đổi mới trong xóm làng. Nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất, kinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Theo hội nông dân