Làm giàu ở một miền rừng

Làm giàu ở một miền rừng
Từ khi được phát hiện, nhân đàn và biết đi vào kinh doanh, giống gà 9 cựa (hay còn gọi là gà truyền thuyết) đã giúp người dân ở vùng rừng Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) vươn lên làm giàu.

Làm giàu ở một miền rừng

Gà chín cựa.

Trong một lần “đột nhập” vào vùng lõi của rừng Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) một số người đã phát hiện ra một loại gà mà người dân trong các thôn như Dù, Cỏi, Lạn, Lấp đang nuôi có tới 9 cựa. Liên hệ với loại gà của truyền thuyết, họ cho rằng đây là loại gà nằm trong lễ vật thách cưới Mỵ Nương Công Chúa của truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Thông tin được lan truyền, xã Xuân Sơn nhanh chóng nổi tiếng từ giống gà này. 

Loại gà này, theo người người Dao đeo tiền và người Mường (rừng Quốc gia Xuân Sơn chỉ có thuần nhất hai dân tộc này sinh sống) thì đã có từ lâu. Thế nhưng họ chưa bao giờ gọi là gà 9 cựa như người Kinh mà họ gọi nó với một cái tên nâng niu hơn: “Gà chúa”. Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, mang dáng dấp của gà rừng. Mào gà đỏ rực, đuôi gà vồng cong như một chiếc cầu vồng.

Tuy với dáng người nhỏ bé nhưng chân gà lại vồng to, óng lên mầu vàng quyến rũ và to như chân gà Đông Tảo, chỉ khác biệt là mỗi bên chân có từ 4 đến 5 cựa (tổng cộng 2 chân lúc nào cũng 9 cựa). Buổi sáng chúng chạy lên rừng tre, nứa để tự kiếm ăn, tối lại về gầm sàn người nuôi để ở. Thịt gà chắc thơm và giòn, vị ngọt lịm mà không giống gà nào khác có được. Chúng cứ thế tồn tại bao đời nay mặc thời tiết khắc nghiệt của vùng rừng sâu, núi cao nơi đây. 

Theo ông Bàn Xuân Lâm – Chủ tịch xã Xuân Sơn thì: Từ khi được phát hiện, thông tin được loan truyền, gà 9 cựa ở Xuân Sơn trở lên nức tiếng. Khách nhậu, con buôn lũ lượt tìm vào để “săn lùng” gà nhiều cựa ở Xuân Sơn. Hiện nay, đường vào các thôn như Dù, Cỏi, Lạn, Lấp nằm trong vùng lõi của vườn Quốc gia Xuân Sơn đã trải nhựa, dễ đi nhiều hơn trước.

Cùng với sự nhộn nhịp của khách thập phương, khách buôn và vòng quay của các phương tiện thì gà 9 cựa Xuân Sơn cũng tăng giá đến chóng mặt. Tại thời điểm này, giá bán 1 kg gà 9 cựa (tính cả hai chân) đã lên đến 450 - 500 ngàn đồng. Tại đây, nhiều đại gia tìm vào, có những con gà trống lâu năm, khỏe khoắn, mào đỏ như hoa chuối rừng, mỗi bên chân có đủ 9 cựa thì họ đã không ngại ngần mà trả đến vài triệu/con.

Anh Triệu Quảng Thắng - một người Dao đeo tiền ở Bản Lấp cho biết: Bằng việc nắm bắt và tận dụng cơ hội hiện nhà anh lúc nào cũng duy trì một đàn vài chục con, trong đó lúc nào cũng có khoảng 10 con có thể xuất chuồng. Mỗi năm ước chừng cho thu từ gần 10 triệu đồng, tương đương với hơn tấn thóc.

Chăn nuôi gà chín cựa này nhàn hơn và có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Và việc này càng có ý nghĩa hơn với người dân nằm trong “vùng lõi” của vườn rừng quốc gia vì diện tích đất gieo trồng không có nhiều. Nuôi gà chín cựa tạo nguồn thu hạn chế cả việc người dân phá rừng do đói kém nữa.

Bản Cỏi nằm bên cạnh dòng suối Hang với 77 hộ người Dao sinh sống cũng đã có rất nhiều hộ gia đình chuyển hướng làm kinh tế bằng việc nuôi giống gà quý này. Ông Đặng Văn Phúc ở bản Cỏi cho biết: Trước, mỗi nhà chỉ có đám ruộng rộng bằng gian nhà bên suối Hang, cắm cây lúa xuống ngồi ngóng đến lúc tuốt bông, năm được năm mất.

Hiện nay giống gà nhiều cựa được nhiều người biết, có giá để người Dao mình trông vào. Như nhà ông Phúc, nhà Bàn Văn Hùng, Đặng Thế Toàn, Triệu Văn Khoa, Bàn Văn Thiều… đã tập chung nuôi giống gà này. Mỗi năm đã đem lại thu nhập khá lý tưởng cho họ

Theo Song Nguyên/Báo Đại Đoàn Kết.vn