Làm giàu ở nông thôn: Trên hươu, dưới cá, khấm khá mấy hồi
- Chủ nhật - 29/10/2017 11:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bỏ phố thị lên núi làm trang trại
Đến các chợ của thành phố Điện Biên Phủ, hỏi về nơi cung cấp cá ngon, thì nhiều người buôn cá sẽ giới thiệu lên mua của anh Vũ Khắc Đẩu, bản Nê Kênh, xã Tả Lèng, thành phố Điện Biên Phủ. Nằm cách trung tâm thành phố 7km giữa lưng chừng núi là trang trại rộng gần 3ha của anh Đẩu được quy hoạch thành từng khu chăn nuôi.
Gần 2ha ao cá, mỗi năm anh Đẩu thu gần 30 tấn cá các loại.
“Tôi lên đây mua đất làm trang trại, ai cũng bảo hâm, giữa lưng chừng núi thế này làm sao đào ao, thả cả, chăn nuôi được. Những ngày đầu khai hoang, làm trang trại cả vùng này còn hoang vu, chưa có điện, người ở cũng thưa thớt. Tôi thuê máy xúc đào ao, rồi 2 vợ chồng đắp bờ, dẫn nước cho cả trang trại, tối đến 2 vợ chồng lại vào túp lều ngủ.” anh Đẩu chia sẻ những khó khăn những ngày đầu làm trang trại.
Theo anh Đẩu , cá, gà, lợn của nhà anh nuôi ra đến đâu đều được lái buôn dưới thành phố lên mua đến đấy. “Mình làm phải có uy tín, sản phẩm mình làm ra đảm bảo chất lượng, ngon, giá cả hợp lý thì không cần phải mang xuống thành phố bán, lái buôn tự tìm đến mình. Chăn nuôi phải đánh giá đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mấy ao đều được tôi lấy 1 loài cá nuôi chủ đạo, vì dụ cá rô phi, cá trắm, chép. Khi thấy khách hàng ưa thích loại nào tôi sẽ nuôi nhiều hơn, miễn là đem lại hiệu quả kinh tế cao” anh Đẩu tâm sự.
Cá của anh Đẩu được tư thương đến mua ngay tại trang trại, anh không phải đem bán lẻ tại các chợ ở Điện Biên
4 chiếc ao trước đây anh Đẩu chỉ nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: trắm, chép nhưng thời gian nuôi lâu, không đem lại lợi nhuận kinh tế. Trước nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, anh đã chuyển một số ao sang nuôi cá rô phi. “Nuôi cá chép, trắm, chép thời gian nuôi mất 7 tháng, nhưng bán ra thị trường giá cũng chỉ 80.000/kg, tôi chuyển sang nuôi rô phi, ngoài 3 tháng là bán được, giá hợp lý, trừ chi phí cũng lãi hơn...” anh Đẩu cho biết.
Đánh giá nhu cầu thị trường
Khi nhắc đến giá lợn năm nay giảm sâu, khiến nhiều người nuôi lợn lao đao, anh Đẩu vỗ đùi cười nói do họ không đánh giá được thị trường vì thế sẽ thất bại. “Gần cuối năm 2016 khi thấy giá lợn xuống thấp, tôi đã quyết định không mua lợn giống về nuôi nữa. Theo nhận định của tôi thì giá lợn còn xuống nữa, nếu nuôi sẽ thua lỗ, vì thế toàn bộ lợn của tôi đều bán trước khi giá xuống thấp. Trước đây năm nào tôi cũng nuôi hàng chục tấn lợn mỗi năm nhưng sang năm 2017, tôi chưa nuôi lại, đợi khi nào giá lợn tăng tôi sẽ đầu tư tiếp” anh Đẩu vui vẻ chia sẻ.
Không chỉ nuôi những con có giá trị kinh tế thấp, anh Đẩu còn mạnh dạn đầu tư nuôi hươu để bán nhung và bán giống. Ở cái đất Điện Biên anh Đẩu là người đầu tiên nuôi hươu bán nhung. Năm 2010 thấy nhu cầu thị trường nhiều người phải mua nhung hươu tận các tỉnh miền Trung với giá rất cao. Sau thời gian tìm hiểu về loại động vật này anh Đẩu đã quyết định đầu tư chuồng trại, học cách nuôi hươu.
Năm 2010, anh Đẩu quyết định chuyển hướng sang nuôi hươu lấy nhung, sản phẩm nhung hươu của anh nổi tiếng cả đất Điện Biên
Nhớ về những ngày đâu học nuôi hươu anh Đẩu cho biết: “Năm 2010, tôi mua 4 cặp hươu về nuôi. Tôi sưu tầm cả tủ sách về kỹ thuật nuôi hươu, cái nào chưa rõ thì điện thoại hỏi chủ bán hươu cho mình, được cái họ nhiệt tình hướng dẫn. 2 năm sau tôi đã bán được mẻ nhung đầu tiên, lãi được mấy chục triệu đồng, bây giờ thì đàn hơn 20 con hươu không đủ nhung mà bán...”. Ngoài bán nhung hươu, ai muốn mua con giống cũng được anh Đẩu bán và hướng dẫn cách chăm sóc, lấy nhung thế nào tốt nhất.
Đàn hươu cho anh thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ việc bán nhung hươu và bán hươu giống
Từ 2 bàn tay trắng, từ thành phố lên giữa lưng chừng đèo lập trang trại, đến nay anh Đẩu đã có cơ ngơi khang trang. Hiện, trang trại của anh Đẩu mỗi năm cho tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng.