Làm giàu ở nông thôn: Tỷ phú nuôi cá, vịt đi lên từ tay trắng và nợ nần
- Thứ bảy - 07/10/2017 19:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tìm nơi an cư lạc nghiệp
Ông Nguyễn Đức Hữu sinh năm 1966 vốn quê ở Phú Thọ. Năm 2003 ông Hữu xách ba lô đi tìm nơi làm kinh tế và được bạn bè giới thiệu đến vùng đất Chiềng Mai, huyện Mai Sơn. Nhận thấy vùng đất bản Ban trong xã Chiềng Mai có suối nước chảy quanh năm, rất thuận lợi cho việc làm ao nuôi thả cá.
Năm 2006 ông Hữu đưa gia đình quyết định lên định cư tại bản Ban, xã Chiềng Mai để phát triển kinh tế trang trại. Ông vay ngân hàng và từ bạn bè; chấp nhận đấu thầu đất, ký hợp đồng 5 năm/lần với UBND xã Chiềng Mai với giá 12 triệu/năm, để thuê 2 ao rộng khoảng 2ha ở bản Ban.
Ông Hữu luôn quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn
Ông Hữu nhớ lại: “Thời gian đầu mới lên lập nghiệp, 2 ao tù lúc đó rất nông và nhếch nhác bởi lắm rác, nhiều bùn, cây cỏ mọc um ùm.Tôi phải thuê máy xúc và nhân công cải tạo lại toàn bộ 2 ao”. Ông Hữu bắt đầu thả cá rô phi đơn tính, mè, chép, trôi...và tận dụng mặt nước ao nuôi thêm hơn 2.000 con vịt để tăng thu nhập cho gia đình.
Thất bại rồi lại đứng lên
Năm 2007, 2 ao cá sắp đến mùa thu hoạch của gia đình ông Hữu bỗng nhiên bị chết trắng hoàn toàn, vịt thì bị dịch bệnh cúm H5N1 hoành hành. Ông Hữu và gia đình lâm vào hoàn cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất khi mà số tiền lớn bỏ ra đầu tư ban đầu đã bị mất trắng.
Trong lúc khó khăn tưởng như khiến ông Hữu và gia đình dễ từ bỏ buông xuôi tất cả ấy, ông lại luôn nhận được sự ủng hộ động viên từ người vợ. Đó chính là điểm tựa và động lực lớn thôi thúc ông kiên trì vượt qua tất cả mọi khó khăn mà ông đang phải đối mặt.
Hiện nay, những đàn vịt được ông Nguyễn Đức Hữu vỗ béo, đang chờ đến ngày xuất chuồng
Ông Nguyễn Đức Hữu theo dõi quá trình phát triển của đàn cá
Ông Nguyễn Đức Hữu lại chạy ngược chạy xuôi, vay mượn tiền anh em họ hàng và vay nóng bên ngoài khoảng 200 triệu đồng để xử lý môi trường lại ao nuôi, chuồng trại và lại mua cá giống, vịt giống về tiếp tục chăn thả. Vừa làm, ông vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình thành công khác ở trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh 2ha ao cá cho thu hàng trăm triệu đồng /năm của gia đình ông Hữu.
Hằng ngày, ông thường xuyên kiểm tra môi trường nước, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Thức ăn cho cá được ông chia ra từng giai đoạn rất khoa học, cá từ 60 ngày tuổi thì được ông cho ăn cám viên công nghiệp. Khi cá hơn 3 tháng tuổi thì ông chuyển sang cho cá ăn cám ngô. Đồng thời ông còn lên mạng Internet và đọc báo tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cá và chăn nuôi vịt, để áp dụng vào mô hình trang trại của mình.
Vượt khó vươn tới thành công
Đến năm 2008, thành công đã mỉm cười với ông Hữu và gia đình. Ông bắt đầu thu hoạch lứa cá và vịt đầu tiên, cho lãi hơn 60 triệu đồng. Khoảng 3 năm tiếp theo, giá cá thương phẩm trên thị trường bắt đầu tăng vọt, ông có lãi hơn 200 triệu đồng. Và tới năm 2016, ông Hữu thu nhập hơn 800 triệu đồng từ nuôi cá và thả vịt trên ao.
Ngoài làm ao nuôi cá, ông Hữu còn xây thêm chuồng nuôi lợn để tăng thêm thu nhập.
Ngoài ra, ông Hữu còn tận dụng diện tích bờ ao, xây thêm chuồng nuôi hơn 100 con lợn thịt và tận dụng phân chuồng làm thức ăn cho cá, giảm bớt chi phí. 5 năm trước đây, trung bình một năm ông nuôi lợn được 3 lứa, lãi hơn 180 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hữu còn tạo thuận lợi cho những nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở bản Ban bằng cách tạo việc làm, nuôi ăn ở và mỗi tháng trả tiền công 3 triệu đồng/tháng.
Khách du lịch đến trải nghiệm câu cá trong trang trại gia đình ông Hữu
Hơn 11 năm gắn bó với ao - chuồng trại, ông Hữu đã có trong tay một cơ ngơi bạc tỷ mà nhiều nông dân mơ ước.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hữu cho biết: Cứ đến tháng 1- 2 âm lịch hằng năm, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cá. Các thương lái đã quen nên sản phẩm đầu ra của gia đình tôi lúc nào cũng ổn định và không lo rớt giá. Giờ con cái tôi đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định. Đời sống của gia đình đã khá giả hơn trước và có của ăn của để...
Theo Hà Hoàng/Báo Dân Việt.vn