Làm giàu từ cam ruột đỏ không hạt
- Thứ năm - 11/01/2018 02:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thích nghi với thổ nhưỡng địa phương
Năm 2012, trong một lần đến tham quan hội chợ nông nghiệp tại Cần Thơ, anh Sơn bị thu hút bởi gian hàng bán giống cam ruột đỏ. Loại cam này còn được gọi là cam Cara, có xuất xứ từ nước ngoài, được một số nông dân lai tạo và trồng thành công với số lượng lớn ở Đà Lạt. “Lúc đó tôi nghĩ cam ruột đỏ có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì ở miền Tây ít thấy ai trồng nên quyết định móc hết tiền túi mua 10 nhánh cam về trồng thử nghiệm, để xem cây cam ruột đỏ có thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây không”, anh Sơn cho biết.
Khi mới bắt tay vào trồng, anh Sơn gặp khá nhiều khó khăn do Lai Vung vốn nức tiếng với các loại cam xoàn, cam mật, cam dây. Ai cũng cho rằng anh quá mạo hiểm khi đem loại cam lạ trồng trên vùng đất này. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm trồng cam ruột đỏ, vì anh tin loại cam này sẽ làm nên chuyện.
Hơn một năm, cây cam bắt đầu cho trái chiến. Do thích nghi với thổ nhưỡng ở Lai Vung nên cây cam phát triển khá mạnh. Thấy khả quan, anh tìm mua thêm 100 cây cam giống về trồng. Sau đó, anh học cách chiết nhánh và nhân giống, trồng phủ khắp mảnh vườn rộng 1.500 m2 của gia đình.
Cây giống... cháy hàng
Cam ruột đỏ khi còn non ruột có màu hồng nhạt, khi chín vỏ sẽ chuyển hẳn sang màu vàng, ruột màu đỏ đậm, trông rất đẹp mắt. Cam không hạt, trái mọng nước và dễ lột, vị ngọt dịu lẫn với vị chua chua, có mùi thơm nhẹ. Nhờ có màu sắc bắt mắt, hương vị lạ nên tại hội thi “Trái ngon - an toàn Nam bộ” lần thứ 9 vừa diễn ra ở TP.HCM, sản phẩm cam ruột đỏ của anh Sơn đã đạt giải “Củ - quả - lạ, hiếm”. Sau khi tham gia hội thi, cam ruột đỏ của anh được mọi người biết đến, nhiều đối tác tìm đến đặt mua cam và cây giống.
Theo anh Sơn, cách trồng cây cam ruột đỏ khá đơn giản. Giống cam này thuộc họ cam dây, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nên ít tốn công chăm sóc, khả năng sinh trưởng tốt. Dù mới bén rễ ở Lai Vung khoảng 5 năm nay nhưng giống cam ruột đỏ của anh Sơn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà vườn trong khu vực ĐBSCL và được xuất bán qua Campuchia. Cam thương phẩm và cây giống thường xuyên trong tình trạng cháy hàng.
Anh Sơn cho biết từ năm thứ ba trở đi, cam ruột đỏ bắt đầu cho thu hoạch, trung bình khoảng 70 trái/cây. Hiện cam ruột đỏ được bán với giá từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại cam khác, cây giống giâm sẵn có giá 30.000 đồng/cây, nhánh chiết củ tỏi 20.000 đồng/nhánh. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về hàng trăm triệu đồng từ vườn cam ruột đỏ.
Từ năm 2012 đến nay, vườn cam ruột đỏ của anh Sơn không ngừng được mở rộng. Hiện anh sở hữu 5.000 m2 trồng cam đang cho trái và 1,5 ha mới bắt đầu trồng. “Để làm ăn bền vững cần liên kết nhiều nông dân trong vùng cùng trồng cam ruột đỏ và sản xuất theo quy trình an toàn. Một mình tôi không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường về cam thương phẩm cũng như cây giống”, anh Sơn chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội làm vườn xã Phong Hòa, cho biết: “Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển giống cam mới đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó giúp anh em, bà con trong vùng chuyển đổi trồng thêm cam ruột đỏ để tăng thu nhập, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương”.\