Làm giàu từ cây đinh lăng
- Chủ nhật - 22/01/2017 03:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khoảng năm 2013, khi đang làm công an viên xã Gia Lộc (H.Trảng Bàng), ngoài giờ đi làm, anh Việt tìm hiểu trên mạng thấy mô hình trồng gấc mang lại hiệu quả cao, ít tốn công chăm sóc nên trồng thử nghiệm 100 gốc dây gấc trên mảnh đất trống rộng gần 2.000 m2 sau nhà. Sau gần 6 tháng chăm sóc, anh bất ngờ với thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/gốc. “Cây gấc thích hợp với loại đất cát pha, dễ sống, dễ chăm sóc mà cho thu hoạch quanh năm, thời gian thu hoạch dài (khoảng 5 năm)”, anh Việt chia sẻ.
Có được chút vốn trên 100 triệu đồng, anh tiếp tục tìm hiểu và biết có mô hình trồng cây đinh lăng xen cây gấc cho thu nhập cao nên anh quyết định xin nghỉ công việc đang làm để dành thời gian thực hiện ước mơ. Anh Việt tiết lộ: “Cây đinh lăng là cây dược liệu rất được ưa chuộng trong đông y. Ngày xưa, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gọi cây đinh lăng là “cây sâm của người nghèo”. Chỉ cần mình trồng được là có người đến tận nơi thu mua sạch, từ gốc, thân, cành, lá”.
Sau đó, anh Việt đặt mua 1.000 gốc đinh lăng trồng xen trong 100 gốc gấc sau nhà. Mỗi cây cách nhau khoảng 20 cm. Sau 6 tháng, cây đinh lăng phát triển nhanh, thương lái kéo đến mua ngày càng đông nên anh quyết định trồng thêm 3.000 gốc nữa (phủ kín toàn bộ vị trí còn trống dưới giàn gấc). “Cây đinh lăng ưa bóng râm, khoảng 6 tháng có thể thu hoạch bằng cách tỉa cành và lá với khoảng 1 kg/cây (giá tươi khoảng 4.000 đồng/kg), sau 1 năm thu hoạch khoảng 2 kg/cây”, anh Việt hào hứng kể.
|
Không cho đất nghỉ
Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù cây trồng phát triển tốt nhưng giá cả thất thường vì chỉ bán được sản phẩm sơ chế (tách lá, thân) cho thương lái. Lúc này, anh Việt lại đi khắp nơi học hỏi về cách chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng. Cuối năm 2014, anh quyết định đăng ký thành lập công ty riêng tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc chuyên trồng và phân phối các sản phẩm làm từ dược liệu đinh lăng. Anh Việt tuyển dụng gần 30 thanh niên trong xóm vào làm tại các trại ươm giống, chăm sóc, chế biến… Hiện anh mở rộng vùng nguyên liệu đinh lăng thành 100 ha tại nhiều tỉnh thành từ Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Dương và Đắk Lắk.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội LHTN xã Gia Lộc, anh Việt thành lập Chi hội thanh niên với 8 hội viên tham gia. Anh tận dụng toàn bộ những phần đất nhàn rỗi của các hội viên này (vườn cây ăn quả, vườn cây cao su…) để trồng xen đinh lăng. Thấy mô hình có hiệu quả, nhiều thanh niên khác xin gia nhập. Hiện Chi hội thanh niên do anh Việt làm chi hội trưởng đã lên đến 15 hội viên cùng tham gia trong nhiều công đoạn trồng và chế biến đinh lăng.
Theo Giang Phương/baohatinh.vn