Làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại

Làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại
Đó là anh Đỗ Ngọc Tỉnh ở xóm 8, Thượng Kiệm, Kim Sơn với mô hình chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả và rau màu. Với sự cố gắng và đầu tư nghiêm túc, hiện nay, trang trại nhà anh đang hoạt động rất năng suất, hiệu quả với doanh thu trên 500 triệu đồng mỗi năm.
 
Mô hình chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả và rau màu của anh Đỗ Ngọc Tỉnh.
Mô hình chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả và rau màu của anh Đỗ Ngọc Tỉnh.
 
Anh Đỗ Ngọc Tỉnh cho biết : Đạt được thành quả như ngày hôm nay tôi phải cảm ơn 2 năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Cuộc sống người lính đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng bổ ích và đáng nhớ. Ngoài những giờ miệt mài tập luyện trên thao trường, tôi rất thích thú với công việc trồng rau, chăm sóc vật nuôi ở đơn vị. Có lẽ vì thế mà anh  Tỉnh đã dần định hướng và xác định cho mình con đường phát triển sự nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.Năm 2004 là thời điểm anh xuất ngũ, trở về quê hương. Với nhiệt huyết và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ, anh chủ động đề nghị với UBND xã Thượng Kiệm cho phép được đấu thầu vùng ruộng cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang mô hình kinh tế trang trại. 

Nhờ tích cóp, vay mượn được số tiền 100 triệu đồng, bước đầu anh tự  đào ao nuôi cá và trồng rau. Những năm tiếp theo, nhận thấy mô hình chưa cho thu nhập cao nên anh tiếp tục chuyển đổi sang nuôi thêm vịt, mở rộng diện tích ao để thả tôm và đa dạng hóa các loại rau màu. Nhờ đó mà anh thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì vấn đề rủi ro là điều khó tránh khỏi. Do thời tiết diễn biến thất thường, có năm mưa lớn dẫn đến tình trạng nước ở đầm dâng cao đột ngột làm cho phần lớn tôm nuôi nhà anh bị sặc chết, thiệt hại lên tới cả trăm triệu đồng. Là người không chùn bước trước khó khăn, anh Tỉnh quan niệm: “Nếu mất bình tĩnh trước sóng gió thì sẽ không thể khắc phục hậu quả và đứng lên làm lại được”. 

Vì vậy, trước những mất mát anh thường tự rút kinh nghiệm để có phương án đối phó tốt hơn ở vụ tiếp theo. Có lẽ vì thế mà càng về sau, mô hình kinh tế trang trại nhà anh càng làm ăn khấm khá, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Năm 2014, anh Tỉnh lại một lần nữa dồn hết vốn liếng tích lũy nhiều năm để đầu tư trồng cây ăn quả quy mô lớn. Lần này, anh vẫn làm với sự quyết đoán và tính toán rõ ràng cho cả tương lai phía trước. “Sau này khi sức lao động không còn thì cây ăn quả vẫn cho ta thu nhập khá và ổn định” – anh nói. 

Đến thời điểm hiện tại, sau 13 năm gắn bó với công việc “bán mặt cho đất”, anh đã gây dựng  một trang trại  quy mô khá lớn với tổng diện tích trên 6 mẫu. Trong đó, anh dành 4 mẫu ao để nuôi tôm, cá; 1 mẫu đất  cho rau màu và diện tích còn lại thì ươm trồng hơn 400 cây mít thái, 100 cây cam, 100 cây ổi, 70 cây chanh bốn mùa và đinh lăng… Hầu hết các loại cây trồng, thủy sản nhà anh đều cho năng suất tốt, thu hoạch quanh năm.
Nhờ ý chí ham học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức, anh Tỉnh đã “bỏ túi” cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc chăm sóc trang trại. Đối với tôm là loại đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao, anh cho rằng công đoạn cải tạo ao trước khi nuôi là bước vô cùng quan trọng. 

Ở bước này, sau khi bơm nước, lọc nước thì phải “tạo màu” cho ao bằng cách mua cá mồi để ủ cùng men rượu hoặc cám gạo, cám ngô sau đó thả xuống tạo thành tảo. Thông thường sau khi tạo màu ao sẽ có màu xanh đặc trưng, đây là môi trường sinh sống lí tưởng của tôm. 

Với tôm còn bé, anh Tỉnh cho ăn đều đặn ngày 2 lần, khi chúng lớn hơn, anh sử dụng quạt oxi đảo khí và thường xuyên xuống ao kiểm tra sức khỏe vì tôm có đặc điểm khi đã mắc bệnh thì sẽ chết rất nhanh. Sau mỗi vụ thu hoạch, trọng lượng tôm nhà anh có thể đạt tới 30 - 40 con/kg được bán với mức giá dao động 150 – 200 nghìn đồng/1kg. Mỗi đợt tôm có thể cho doanh thu lên tới 300 triệu đồng.
Ngoài ra, việc chăm bón cây ăn quả cũng mất khá nhiều công sức. Mít thái và cam là hai loại anh phải chú ý nhiều hơn. Do cam được vận chuyển từ miền Nam ra, là giống thích hợp trồng trên đất đỏ, đất đồi nên khi về vườn, anh luôn tích cực bón phân, cung cấp dưỡng chất cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển tốt. 

Bên cạnh đó, quy trình trồng mít thái lại cần sự theo dõi cẩn thận hơn. Năm đầu tiên khi mít ra quả phải cắt hết đi, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng dần dần cây bị chết. Trung bình, mỗi cây mít thái có thể cho trung bình 7 trái mỗi đợt.
Từ đầu năm 2016, gia đình anh Đỗ Ngọc Tỉnh đã kí cam kết với chương trình “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên trước đó, chất lượng rau nhà anh đã luôn được bà con quanh vùng tin tưởng và ủng hộ. Hiện tại, các loại rau ở vườn khá đa dạng như : cải bắp, súp lơ, su hào, bí, mướp,… Trong quá trình bón phân và phòng trừ sâu bệnh, anh sử dụng thuốc sinh học và tính toán sao cho rau vừa đạt năng suất cao lại vừa “sạch”, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho biết : “Đỗ Ngọc Tỉnh là tấm gương điển hình, dám nghĩ, dám làm và đã đạt được thành công đáng ngưỡng mộ trên con đường lập nghiệp. Đây cũng là mô hình được Hội Nông dân huyện đánh giá rất cao và được UBND tỉnh trao bằng khen công nhận.”
Bài, ảnh: Vân Anh/baoninhbinh.org.vn