Làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hiền Quan 2, xã Đức Long (Nho Quan), chúng tôi có phần choáng ngợp bởi trước mắt là một khu đồng rộng lớn với mô hình kinh tế kết hợp giữa nuôi vịt, nuôi lợn, cấy lúa và nuôi thả cá. Đây là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế nhất nhì ở xã Đức Long sau quy hoạch dồn điền đổi thửa.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh cho biết, trước đây gia đình chị cũng đã đầu tư chăn nuôi vịt đẻ và lợn nhưng diện tích ít, lại gần khu dân cư nên không mấy hiệu quả.Đến năm 2015, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình chị đã nhận 5 sào ruộng vào cùng 1 khoảnh ngoài khu vực chân núi, nằm cách xa khu dân cư và nhận đấu thầu thêm 2 mẫu với tổng thể là 2,5 mẫu đất. Cùng với số vốn đã tích cóp được cùng vốn vay thêm ngân hàng, gia đình chị đã đầu tư 400 triệu đồng thuê máy múc, kè ao, xây chuồng trại. Để tiện chăn nuôi, anh chị dựng nhà ở ngoài đồng để dễ trông coi, bảo vệ.

Với 11 ô chuồng, lứa đầu, chị mua 100 con lợn giống hết 100 triệu đồng, do được chăm sóc tốt, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khâu phòng bệnh đảm bảo nên đàn lợn mau lớn, ít xảy ra dịch bệnh, mỗi năm gia đình chị xuất bán 3 lứa, mỗi lứa 5 đến 6 tấn lợn thịt, thu lãi 150 triệu đồng.

Diện tích ao nuôi vịt được kè chắc chắn và giăng lưới ngay cạnh chuồng nuôi, với 700 con vịt đẻ, mỗi ngày gia đình chị thu được 600 quả trứng, bán với giá 2000 đồng/quả, thu về khoảng 30 triệu đồng/tháng từ trứng vịt. Ngoài ra, gia đình chị còn cấy 5 sào lúa, nuôi thả cá trên diện tích 1,5 mẫu mặt nước.
Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị Hạnh thu lãi 250 đến 300 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, chị Hạnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động của hội phụ nữ xã và chi hội tổ chức, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo Báo Ninh Bình