Làm giàu từ mô hình nuôi tôm
- Chủ nhật - 21/10/2018 05:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham quan mô hình nuôi trồng thuỷ, hải sản của anh Nguyễn Văn Giảng (thứ 2 từ trái qua phải), xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Thời điểm những năm 2015, xã Hải Chính đã có khá nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế bằng nghề nuôi tôm. Tuy nhiên hầu hết các mô hình đều không thành công, hiệu quả kinh tế thấp. Nghiên cứu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước ở địa phương, ý định ban đầu của Giảng là muốn nuôi cá. Tuy nhiên, để nuôi được cá đòi hỏi phải có diện tích ao đầm lớn, không phù hợp với điều kiện của gia đình. Vì vậy, chàng trai trẻ quyết định chuyển sang nuôi tôm. Giống tôm được anh chọn là tôm thẻ chân trắng. Để nuôi tôm, Giảng cải tạo ruộng muối của gia đình, nhận đấu thầu thêm đất, thuê người múc ruộng, mua trang thiết bị hết khoảng 100 triệu đồng. Vụ nuôi đầu tiên, Giảng quyết định thả 10 vạn con tôm giống trên 3 ao nuôi với tổng diện tích 3.600m2. Tổng kết cuối vụ, anh thu về gần 2 tấn tôm, bán thu lãi 100 triệu đồng. Vụ nuôi đầu thắng lợi ngoài sự mong đợi càng củng cố thêm quyết tâm của Giảng. Năm 2016, có tiền lãi từ vụ nuôi trước, anh quyết định tái đầu tư sản xuất, mua thêm một số trang thiết bị, thức ăn và con giống với số lượng lớn. Tuy nhiên lúc này những khó khăn, bất cập trong việc duy trì, phát triển mô hình mới thực sự bắt đầu. Sau vụ nuôi đầu, Giảng cho biết thổ nhưỡng đất đã có sự thay đổi, hao hụt đi đáng kể. Cộng thêm địa hình đồng trũng, quanh năm nhiễm mặn, nhiễm phèn, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con tôm thẻ chân trắng. Chưa kể, trong ao nuôi bắt đầu xuất hiện khá nhiều tảo độc, gây dịch bệnh trong khi thuốc điều trị, nguồn thức ăn kém chất lượng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất con nuôi. Do đó, tôm trong ao của Giảng bị chết hàng loạt. Ở những ao con nuôi không bị chết thì có dấu hiệu chững lại, chậm hoặc không phát triển được. “Tôi rất lo lắng cho ao nuôi. Mỗi sáng mai nhìn mặt nước đầy xác tôm nằm phơi bụng trắng xóa, xót xa vô cùng. Bao nhiêu tiền của, công sức đều ném vào ao nuôi. Nếu trắng tay vụ này, tôi biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng, tái đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên tôi luôn tự nhắc nhở, trấn an bản thân không được để ao “trắng”. Động viên mình, những người thân trong gia đình, Giảng quyết tâm làm lại từ đầu, “gánh” thêm số nợ thiệt hại 40 triệu đồng từ vụ nuôi thứ 2. Xác định, để gắn bó với con tôm lâu dài, phải thật hiểu về con nuôi mới nuôi trồng có hiệu quả, Giảng lao vào học hỏi kỹ thuật nuôi tôm. Trước hết là học từ các mô hình xung quanh trong xóm, ngoài làng. Sau nữa là tìm đọc thêm các tài liệu trên sách báo, nghe đài, xem các chương trình truyền hình phổ biến cách nuôi tôm thẻ chân trắng. Phương án mang tính quyết định nữa là tìm mọi cách cải tạo thổ nhưỡng, nguồn nước, tìm nguồn thức ăn phù hợp hơn với con tôm. Ngoài ra, còn cần phải làm tốt công tác phòng dịch cho con nuôi… Thời điểm này, rất tình cờ Giảng xem được chương trình “Sinh ra từ làng” của kênh truyền hình VTV6, giới thiệu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm sinh học từ trùn quế. Theo đó, người nuôi sử dụng các chế phẩm từ trùn quế cho vào thức ăn hằng ngày và xử lý nguồn nước để nâng cao sức đề kháng, “lọc” nước sạch cho ao nuôi. “Phương pháp này nếu đúng là như vậy thì rất hay, quá lý tưởng để những người nuôi như chúng tôi học hỏi, áp dụng. Tuy vậy, tôi vẫn chưa tin lắm. May thay, lúc này ở xã có một anh đã áp dụng thử cách nuôi trên. Tôi đến tận ao nuôi tìm hiểu quy trình, cách xử lý và nhận định đây là hướng đi đúng, có thể giải quyết được những khó khăn ở ao nuôi của tôi hiện tại”, Giảng nói. Quan trọng hơn, phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm sinh học từ trùn quế còn giúp chàng trai trẻ thay đổi hướng nuôi trồng mới, nuôi tôm theo phương pháp sạch với tiêu chí “3 không”: không sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh và không sử dụng thức ăn tăng trọng. Để có thể nuôi tôm sạch, Giảng sử dụng chế phẩm sinh học từ trùn quế trộn vào thức ăn hằng ngày cho tôm và xử lý nước. Ngoài ra có kết hợp thêm chủng vi sinh và thảo dược xử lý bệnh cho tôm. Từ khi áp dụng phương pháp mới, theo quan sát của Giảng, nước trong ao nuôi “đẹp” lên rất nhiều, hạn chế được tảo độc. Khi rửa ao không còn hoặc còn rất ít mùi hôi khó chịu tồn đọng trong bùn và nước. Đối với tôm, con nuôi phát triển nhanh hơn, sức đề kháng tốt hơn, đặc biệt là vấn đề đường ruột của tôm đã cải thiện được cơ bản. Chăm sóc, phòng bệnh đúng khoa học, con tôm trong ao nuôi của Nguyễn Văn Giảng sinh trưởng và phát triển nhanh, ổn định dẫn đến năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đều tăng. Vụ mùa năm 2017, từ các ao tôm, anh thu về trên 4 tấn, sau khi xuất bán, trừ chi phí, Giảng thu lãi trên 240 triệu đồng. Bên cạnh việc tạo thu nhập ổn định cho gia đình, anh còn tạo việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương với mức lương từ 170-180 nghìn đồng/người/ngày. “Quả ngọt” trên là phần thưởng xứng đáng cho ông chủ trang trại trẻ sau bao ngày cố gắng, kiên trì và nhẫn nại, biết vươn lên từ thất bại. Chia sẻ về kinh nghiệm thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, Giảng vui vẻ cho biết thêm: “đầu tiên là con giống phải đảm bảo chất lượng, biết cân bằng dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của tôm, giữ môi trường tôm ổn định, không bị ô nhiễm, đồng thời thường xuyên áp dụng công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm”… Ngoài nuôi tôm, Giảng còn trồng thêm 4 sào rau sạch, mỗi năm cho thu hoạch khoảng trên 10 triệu đồng. Giảng ấp ủ mơ ước trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích ao nuôi để có thể nuôi cả tôm và cá. Ngày càng có nhiều hộ gia đình nuôi thủy, hải sản theo phương pháp sạch, có các HTX thu mua sản phẩm, bao tiêu đầu ra cho các hộ nuôi trồng thủy sản được yên tâm, tránh bớt rủi ro và bị thương lái ép giá…
Trước thực trạng ngày càng có nhiều thanh niên nông thôn đi làm ăn xa, phải “ly hương”; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Văn Giảng là giải pháp hữu ích gợi mở hướng đi cho những thanh niên khác. Năng động, dám nghĩ, dám làm, Giảng giờ đã là “triệu phú trẻ” làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng, anh Giảng còn là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người trẻ đến học hỏi, tham quan mô hình. Khởi nghiệp khó khăn, Giảng hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều thanh niên nông thôn đang gặp phải khi muốn phát triển kinh tế, làm giàu. Anh hy vọng thanh niên nông thôn sẽ được tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; chính quyền, các đoàn thể khuyến khích, quan tâm, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của những người trẻ. Từ đó tạo động lực, niềm tin cho thanh niên nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng có nhiều cơ hội làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Hoa Xuân/baonamdinh.com.vn