Làm giàu từ mô hình tổng hợp

Làm giàu từ mô hình tổng hợp
Năng động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình canh tác là nhân tố quan trọng giúp nhiều nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

67t4-1.jpg

Thu hoạch lúa bằng cơ giới giúp nông dân giảm chi phí

Cách làm ruộng thì chắc chắn nông dân nào cũng biết, nhưng để đạt được năng suất cao, chất lượng tốt thì không phải người nào cũng áp dụng đạt hiệu quả. Nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, tích lũy kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào canh tác, ông Lê Văn Chen (ngụ xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) đã có trong tay gần 6 héc-ta đất trồng lúa 3 vụ/năm. Bản thân ông từng tham gia quân ngũ tại chiến trường Campuchia. Sau khi phục viên trở về, ông khởi sự với 3 công đất ruộng ít ỏi. “Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ và trăn trở, làm sao để vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất khô cằn này, tôi quyết định đào ao nuôi cá tra giống. Công việc làm ăn thuận lợi, dần dần mỗi năm tôi mua thêm được 2 – 3 công đất. Đến nay, tôi có được gần 6 héc-ta, trong đó có 0,5 héc-ta đào ao nuôi cá, diện tích còn lại trồng lúa 3 vụ/năm” - ông Chen chia sẻ.

Để có được thu nhập ổn định như bây giờ, ông luôn đổi mới kỹ thuật canh tác, từ khâu gieo sạ, bón phân, thuốc đến khâu thu hoạch nên đạt năng suất và lợi nhuận cao, dần dà phát triển diện tích. Ông Chen chia sẻ kinh nghiệm: “Phải năng động trong việc áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng” theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Đó là yếu tố quan trọng không chỉ giúp tiết kiệm 30% chi phí vật tư, mà còn giúp cây lúa phát triển nhanh, nâng cao năng suất và chất lượng. Nhiều năm qua, ruộng lúa nhà tôi năng suất đạt từ 6 – 7 tấn/héc-ta/vụ”. Ngoài ra, ông Chen còn thường xuyên theo học các lớp khuyến nông, khuyến ngư do thị xã tổ chức ở địa phương. Nhờ vậy, việc nuôi cá tra được thuận lợi, năng suất ổn định. Hàng năm, với 0,5 héc-ta đất đào ao nuôi cá, ông thu lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Đối với việc thâm canh lúa, lợi nhuận ông có được gần 300 triệu đồng. Không chỉ sản xuất giỏi, ông Chen còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật cho những anh em gần xa khi đến tham quan mô hình sản xuất của gia đình. Với những thành tích đạt được, 3 năm liền, ông Lê Văn Chen đạt danh hiệu Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp Trung ương do Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Tại xã Phú Bình (Phú Tân), ông Nguyễn Quang Long không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, một cựu chiến binh gương mẫu, mà còn từng là Chủ tịch Hội Nông dân năng động. Là bộ đội phục viên trở về gia đình, những năm đầu, ông phải mướn đất ruộng trồng lúa, vợ ông thì buôn bán phụ giúp chồng. Nhờ siêng năng, cần cù nên đến nay, ông Long đã có nguồn thu nhập ổn định trên 3 héc-ta sản xuất nếp CK 92. Với năng suất bình quân 9 tấn/héc-ta, ông đạt lợi nhuận trên 170 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng 8 công đất để đào ao nuôi cá tra. “Thời gian đầu, lợi nhuận khá ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2008, bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, gia đình tôi và bà con chăn nuôi phải lao đao chống đỡ. Tưởng chừng như không thể vượt qua, tôi phải vay ngân hàng, mượn người thân cùng với sự giúp đỡ của bạn bè mới trụ vững” - ông Long nhớ lại. Trước tình hình giá thức ăn tăng cao, giá cá bấp bênh như hiện nay, nhiều người nuôi từ hòa vốn đến lỗ nhẹ. Thấy thế, ông Long đã chuyển sang ương cá bột, thời gian chăm sóc chỉ từ 1,5 - 2 tháng. Tùy theo giá cả thị trường, mỗi lứa cá bột ông Long có lãi từ 25 – 30 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, quá trình phấn đấu giảm nghèo đã xuất hiện ngày càng nhiều hội viên CCB làm kinh tế có hiệu quả. Ông Lê Văn Chen và Nguyễn Văn Long là hai trong những CCB sản xuất – kinh doanh giỏi được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Theo baoangiang.com.vn