Làm giàu từ nghề ấp trứng gia cầm
- Thứ hai - 08/08/2016 05:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 1983, xuất ngũ trở về địa phương, kinh tế gia đình khó khăn, ông Sơn phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Ban đầu ông xin vào Trại gà (thời bấy giờ là Trại gà Cuba) làm việc. Năm 2002, nhận thấy lợi thế của địa phương là quỹ đất đồi rừng có nhiều, ông đã quyết định khởi nghiệp bằng 500 con gà. Năm 2007, ông quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà tập trung.
Ông Sơn cho biết: Nuôi gà cũng lắm gian truân, vất vả. Năm 2012, do giá cả bấp bênh, thua lỗ, ông gần như mất trắng. Không chịu thua số phận, ông quyết định chuyển hướng chăn nuôi. Nhận thấy trong xã có quá nhiều hộ dân nuôi gà thương phẩm, nhu cầu về gà giống lớn mà chưa được đáp ứng đủ, ông chuyển sang mô hình ấp gà con. Gà con khi được ấp thủ công thường hay bị chết. Do vậy, ông đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, vay thêm 500 triệu đồng để đầu tư 6 lò ấp trứng. Khi có lò ấp, tỷ lệ ấp nở cao, thiệt hại ít và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Để có kiến thức chăn nuôi, ngoài tìm hiểu trên mạng, qua sách báo, tivi, ông còn tham khảo tư vấn từ các chuyên gia, đồng thời làm tốt khâu tiếp thị cho sản phẩm của mình. Nhờ làm ăn có uy tín, đến nay các thương lái từ Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội… đều tìm đến địa chỉ nhà ông để đặt hàng. Những năm đầu, ông nuôi 1.000 - 2.000 gà bố mẹ. Sau 6 năm nuôi gà ấp trứng, đến nay gia đình ông đã có 7.000 gà bố mẹ, mỗi tuần gia đình ông cung ứng khoảng 2 vạn con gà giống, trừ chi phí cho thu lãi 400 - 500 triệu đồng/năm. Cơ sở ấp trứng của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông tâm sự: “Làm nghề ấp trứng giống như nuôi “con mọn” vậy. Phải thật tỉ mỉ và cẩn thận bởi thừa nhiệt cũng hỏng, thiếu nhiệt cũng hỏng. Nhu cầu gà giống hiện tại trên thị trường là rất lớn, do vậy sắp tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô để phục vụ người dân. Trong thời buổi hiện nay, khách hàng rất khó tính, nếu sản phẩm mình làm ra không đảm bảo chất lượng, không giữ chữ tín thì sẽ mất khách ngay. Bởi vậy tôi luôn lấy chữ tín làm đầu”.
Gần đây, ông Sơn còn nuôi thêm 150 đôi chim bồ câu Pháp, cho thu nhập thêm 100 triệu đồng mỗi năm.
Theo Báo Vĩnh Phúc