Làm giàu từ nuôi dê bách thảo
- Thứ ba - 02/05/2017 23:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2014, gia đình anh Nghị bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dê bách thảo với số vốn 14 triệu đồng. Loại dê này dễ nuôi và sinh sản nhanh, lại chủ động được thời gian chăn thả nên việc chăn nuôi, phát triển đàn dê không khó. Trung bình 1 con dê bách thảo cái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 2 - 3 con, nuôi khoảng 5 - 6 tháng đạt trọng lượng từ 25 - 35kg là bán được. Trong quá trình nuôi, anh Nghị chọn lọc những con dê cái đủ tiêu chuẩn để lại nhân đàn, còn lại là xuất bán dê thịt. Sau gần 3 năm, anh Nghị có 21 con dê cái và 6 con dê đực giống.
Anh Nghị chia sẻ: “Muốn nuôi dê hiệu quả cần chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chọn con đực khỏe mạnh, không khuyết tật, đầu to và ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, không quá béo hoặc quá gầy. Phần thân sau chắc chắn, 4 chân thẳng, khỏe. Hai “hòn cà” đều và cân đối. Chọn dê cái là những con có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối, khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Bầu vú nở rộng, cân đối, núm vú dài và đưa về phía trước, có nhiều mạch máu nổi trên bầu vú. Nếu dê bố mẹ đạt tiêu chuẩn, dê mẹ cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt. Tuy nhiên, tránh cho dê giao phối cận huyết để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống”.
Bên cạnh đó, cần quan tâm khâu vệ sinh chuồng trại. Chuồng nuôi cách mặt đất khoảng 1m, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo nhiệt độ phù hợp mỗi mùa. Thường xuyên dọn vệ sinh chuồng, không để phân đọng lại trên nền. Trong chuồng phải có máng ăn, máng uống nước sạch sẽ để bổ sung thêm thức ăn cho dê. Định kỳ tẩy uế chuồng trại.
Dê thường mắc bệnh hô hấp rất khó phát hiện trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thời tiết thay đổi, hoặc vào chu kỳ sinh sản. Vì thế, cần tiêm chủng định kỳ để phòng ngừa các bệnh về hô hấp, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh ký sinh trùng...
Nuôi dê không cần đầu tư nhiều vốn, dễ mua giống, nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào, dễ tìm đầu ra… Vì vậy, mô hình này có thể áp dụng cho các hộ nghèo không đất hoặc ít đất sản xuất. Ở Bạc Liêu, một số người dân ở huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình đã thực hiện mô hình này, và hiệu quả mang lại khá cao.