Làm giàu từ nuôi dông

Làm giàu từ nuôi dông
Những năm qua, nghề nuôi dông ở tỉnh Bình Thuận đã giúp nhiều hộ nông dân các xã ven biển thoát nghèo. Hơn thế, tận dụng gần 100ha bãi, cồn cát khô cằn phát triển sản xuất, nghề mới nuôi dông ở các địa phương trong tỉnh Bình Thuận đã góp phần thúc đẩy nhanh mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Đến xã Tiến Thành, TP Phan Thiết-nơi có những cồn, bãi cát trắng mênh mông dọc bờ biển, chúng tôi được chứng kiến mô hình “Người người nuôi dông, nhà nhà nuôi dông”. Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng nuôi dông gần 8000m2, Trung tá cựu chiến binh Lâm Văn Luận, nguyên Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Thanh Hải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận), là một trong những hộ nuôi dông đầu tiên của xã Tiến Thành, cho biết, vùng đất ở đây toàn cát trắng, thời gian đầu, gia đình ông chỉ trồng đậu, ngô… nhưng năng suất rất thấp, mùa khô thiếu nước tưới nên có vụ đành bỏ hoang. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Luận nhớ đến tuổi thơ của mình thường tìm bắt dông hoang ở các cồn cát, song những năm gần đây, dông ngày càng hiếm. Từ khi ngành du lịch phát triển tại địa phương, thịt dông là món đặc sản hấp dẫn du khách, vì vậy ông Luận nhen nhóm ý tưởng nuôi dông. Nghĩ là làm, thời gian đầu với vốn chỉ có 4 triệu đồng, ông thí điểm nuôi 250 con giống. 7 tháng sau, ông thu được 60kg. Với giá 300.000 đến 350.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lợi hơn 14 triệu đồng. Thấy nuôi dông có lãi, dễ chăm sóc, ông Luận mạnh dạn mở rộng diện nuôi 6000 con giống. Năm 2013 vừa qua, ông thu gần 900kg, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Theo ông Luận, dông là một loài bò sát thích nghi vùng đất cát ven biển, sinh sản nhanh, mỗi năm từ 3 đến 4 lứa, mỗi cặp sinh 25 đến 30 con/năm. Dông ít bệnh, tỷ lệ sống đạt hơn 90%; thức ăn đơn giản, như các loại rau muống, rau lang, cải, thân chuối non… băm nhỏ; mỗi ngày cho ăn từ 2 đến 3 lần; chuồng dùng tấm lợp phi-brô xi măng quây kín sâu xuống đất từ 1,2 đến 1,3m, tường cao từ 1,3 đến 1,5m để dông không đi mất. Nhờ nuôi dông, ông Luận có tiền xây nhà khang trang, lại có điều kiện cho con ăn học. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tích cực giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo bằng nghề nuôi dông.
Niềm vui của chị Lê Thị Thắm, thôn Tiến Phú, xã Tiến Thành với nghề nuôi dông.
Chị Lê Thị Thắm, ngụ thôn Tiến Phú, xã Tiến Thành, bày tỏ: “Từ ngày được ông Luận hướng dẫn kỹ thuật, địa phương giúp vốn, tôi tận dụng hơn 3000m2 bãi cát bỏ không nuôi 4000 con dông, mỗi tháng thu từ 7 đến 8 triệu đồng. Nhờ nuôi dông, vợ chồng tôi không còn phải lo kiếm việc làm thuê như trước nữa. Hằng ngày, ngoài chăm sóc dông, tôi còn làm thêm nhiều việc phụ khác nên kinh tế ngày càng khá giả”.  Không chỉ chị Thắm mà nhiều hộ dân nghèo ở xã Tiến Thành nuôi dông cũng không còn phải "chạy giông" kiếm việc làm nữa.
Từ mô hình nuôi dông ở xã Tiến Thành, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo nhân rộng mô hình đến hầu hết các xã ven biển của TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong, thị xã Phan Rí Cửa và huyện đảo Phú Quý, nhờ đó́ nghề nuôi dông phát triển mạnh. Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có hơn 5.700 hộ nuôi dông với diện tích gần 100ha, chủ yếu tận dụng cồn, bãi cát khô cằn. Các hộ nuôi dông đa số là do người già, người có sức khỏe hạn chế và trẻ em đảm trách, nhưng đã cho thu lợi mỗi năm hơn 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân còn thiếu vốn sản xuất, nhận thức hạn chế, phát triển chăn nuôi vẫn mang tính tự phát chạy theo thời vụ. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tăng cường xúc tiến thương mại liên kết chặt chẽ với các tỉnh bạn và TP Hồ Chí Minh, gắn doanh nghiệp, cơ sở du lịch trong tỉnh với hộ chăn nuôi, nhằm bao tiêu sản phẩm, bảo đảm quyền lợi nông dân. Ông Mai Kừu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng: Nghề nuôi dông là một trong những thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh có kế hoạch rà soát kỹ đặc điểm từng địa phương, từng bước quy hoạch cụ thể, tận dụng tốt thế mạnh từng địa bàn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm độc quyền chất lượng. Trên cơ sở đó, tỉnh có biện pháp tập huấn bồi dưỡng kỹ thuật, hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ khó khăn, phát huy sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn, tận dụng tốt cồn, bãi cát sa mạc khô cằn đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Thực tiễn mô hình đã có, chủ trương của chính quyền và các ngành chức năng đã rõ ràng, hy vọng nghề nuôi dông sẽ thực sự là "sản phẩm độc quyền chất lượng" trong tương lai gần tại tỉnh duyên hải Bình Thuận.
Bài, ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN
Nguồn qdnd.vn