Làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm

Làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm
Nhờ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm mà những năm gần đây, đời sống của người dân xã Định Long (Yên Định - Thanh Hóa) được cải thiện đáng kể.

Nghề phụ... thu nhập chính

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của xã Định Long. Tuy nhiên, do thị trường có nhiều biến động, giá cả bấp bênh, không đảm bảo thu nhập nên nghề mai một dần. Năm 1997, nghề trồng dâu nuôi tằm được vực dậy và phát triển mạnh từ năm 2001. Hiện, diện tích bãi trồng dâu của toàn xã đạt hơn 18ha, thu nhập bình quân từ cây dâu đạt 180 triệu đồng/ha, thu hút hơn 100 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn.

Quan niệm “nuôi tằm ăn cơm đứng” có vẻ không còn phù hợp khi bà con đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng. Giống dâu được HTX dịch vụ nông nghiệp Định Long nhập về từ Trung Quốc và cung cấp cho bà con trồng với mật độ 1.200 cây/ sào, tỷ lệ sống trên 90%; cây cho chất lượng lá tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh. Cán bộ khuyến nông còn tận tình hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật chăm sóc dâu và nuôi tằm.

Nhìn cánh đồng dâu xanh bạt ngàn để chuẩn bị nuôi lứa tằm mới, anh Khương Văn Mạnh ở thôn 2, cho biết: “Gia đình trồng hơn 4 sào dâu phục vụ nuôi 3 vòng tằm, mỗi vòng cho thu 15 - 20kg kén. Với giá bán 80.000 đồng/kg tằm trắng, 65.000 - 70.000 đồng/kg tằm vàng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu hơn 60 triệu đồng”.

Ông Trịnh Viết Giới ở thôn 1 tâm sự: “Với 3 sào dâu, mỗi năm gia đình thu về gần 20 triệu đồng. Cây dâu phù hợp với đồng đất Định Long, cho lá to, năng suất cao, ít sâu bệnh. Trồng dâu nuôi tằm bây giờ xem như nghề làm giàu của nông dân”. 

Thâm canh đạt 180 triệu đồng/ha

Ông Trịnh Đình Quốc, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Định Long cho biết: “Chi phí đầu tư cho 1 sào trồng dâu thấp hơn các loại cây khác mà lợi nhuận lại cao. Nếu thâm canh thì chất lượng cũng như sản lượng ngày một tăng, giá trị thu nhập có thể đạt 180 triệu đồng/ha. Sau 8 - 15 năm mới phải thay gốc một lần để đảm bảo cây không bị thoái hóa giống”.

Theo ông Trịnh Viết Ninh, Chủ tịch UBND xã Định Long: “Do diện tích trồng dâu của xã nằm ngoài đê sông Mã, bãi bồi tương đối bằng phẳng, hàng năm được phù sa bồi đắp cộng với việc bà con tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng dâu ngày một tăng, lượng tằm nuôi ngày một nhiều. Thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dâu, ớt xuất khẩu, như vụ vừa rồi 1ha ớt cho thu nhập khoảng 240 triệu đồng. Với lợi thế sẵn có, xã sẽ đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi thôn, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Như Quỳnh – Minh Thượng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn