Làm nông thôn mới trên quê lúa
- Thứ hai - 25/09/2017 23:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Đồng Hưng đã đầu tư xây dựng mới 1.035,4km đường |
Trò chuyện với ông Lã Quý Thắng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, được biết nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp đời sống của người dân vùng quê này có nhiều đổi thay theo hướng tích cực.
Một trong những tiêu chí quan trọng khi làm NTM là phát triển giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Đồng Hưng đã đầu tư xây dựng mới 1.035,4km đường chiếm 80% chiều dài đường giao thông các xã, ngoài ra mở rộng 22.800m2 đường các loại. Các xã điển hình về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như Hồng Châu, Hợp Tiến, Đông Các, Đông Xá, An Châu, Liên Giang, Phú Lương, Đông Sơn, Đông Xá...
Về văn hóa, y tế, giáo dục, thời gian qua huyện đã tích cực đầu tư, cải tạo và xây mới 498 phòng học của 65 trường. Các xã Đông Sơn hoàn thành thêm 3 ngôi trường cao tầng, An Châu cũng xây dựng 2 ngôi trường khang trang, hiện tại trên địa bàn huyện đang thi công tiếp 6 ngôi trường nữa. 35 trạm y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82%...
Sức lan tỏa của phong trào xây dựng NTM đang được nhân dân Đông Hưng nhân lên. Ở những vùng đất đai màu mỡ, bằng phẳng thì công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã triển khai thành công, đưa nhiều giống mới vào sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Người dân nhận thức sâu sắc rằng, cần phải xây dựng một NTM bền vững hơn, mà sự bền vững phải được bắt nguồn từ phát triển sản xuất.
Đến nay toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng đạt 31.301ha. Đặc biệt trong năm 2016, có 6 xã xây dựng mới thêm 8 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 195,2ha, 4 xã mở rộng thêm các cánh đồng mẫu, nâng tổng số cánh đồng mẫu toàn huyện lên 29 cánh đồng với 1.329,37ha. Tiếp tục duy trì mô hình cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm ở 4 xã đã thực hiện.
Bên cạnh đó, huyện Đông Hưng còn chú trọng công tác chăn nuôi. Quy mô và cơ cấu đàn vật nuôi có chuyển biến tích cực, toàn huyện có 57 trang trại chăn nuôi theo tiêu chí mới và 1.256 gia trại. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước thực hiện 1.250,2 tỷ đồng. Các xã tiếp tục duy trì các vùng nuôi trồng thủy sản đã có, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 862ha.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 2.552,4 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp, cụm công nghiệp tập trung chiếm khoảng 55%, khu vực hộ gia đình và làng nghề chiếm 45%. Những ngành hàng có mức tăng trưởng khá như gia công cơ khí, vật liệu xây dựng, nước sạch, gia công hàng điện tử, vợt muỗi, đèn pin, bật lửa ga...
Làng nghề phát triển, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động. Từ đó đời sống của cư dân nông thôn Đông Hưng không ngừng nâng lên, nhiều hộ đã xây được nhà cao cửa rộng, mua sắm các thiết bị tiện nghi đắt tiền phục cho cuộc sống. Thu nhập bình quân trên địa bàn toàn huyện đạt 25 - 30 triệu/người/năm.
Có quyết tâm xây dựng một NTM văn minh, bền vững, lại được nhân dân chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, đến nay Đông Hưng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Toàn huyện có 30 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 26 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. 12 xã đạt từ 12 - 16 tiêu chí, tạo tiền đề sớm đưa Đông Hưng về đích huyện NTM đúng lộ trình.
Hiện nay, Đông Hưng còn lưu giữ và phát huy được các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống ở địa phương như chiếu chèo làng Khuốc, nhiều xã khôi phục được đội chèo, pháo đất… Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, từ đó tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn. Tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng NTM ...