Làm vèo nuôi ếch trên sông
- Thứ tư - 14/11/2018 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Nhĩ là một trong những người tiên phong thử nghiệm và phát triển mô hình nuôi ếch Thái Lan trong vèo trên sông. Mô hình này đã giúp đời sống gia đình anh Nhĩ ổn định hơn. Trước đây, gia đình anh Nhĩ thuộc dạng khó khăn, hàng ngày anh phải đi làm thuê, mướn để lo cho 6 miệng ăn. Nhờ đi nhiều nơi nên anh có điều kiện tiếp cận những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi ếch Thái Lan trong vèo. Anh Nhĩ cho rằng, đây là mô hình hay, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên bắt đầu nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tích góp nguồn vốn để tập trung phát triển mô hình này. Năm 2011, anh bắt đầu thử nuôi thử nghiệm 2.000 con ếch giống. Do không có đất sản xuất, anh nảy sinh ý định làm vèo dưới sông.
“Do chưa có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật nuôi nên lứa đầu không thành công, thả 2.000 con ếch nhưng thu hoạch chỉ được khoảng 1.000 con. Bán lứa đầu tiên, sau khi trừ hết chi phí, từ con giống, thức ăn... gia đình tôi còn lãi đúng 5.000 đồng”- anh Nhĩ nhớ lại. Gặp khó khăn nhưng anh Nhĩ không nản lòng, mà lấy đó làm kinh nghiệm cho những vụ sau. Từ đây, việc chăn nuôi bắt đầu sinh lợi nhuận, kinh tế gia đình ngày càng phát triển hơn so với trước.
Đến nay, sau 7 năm, anh Nguyễn Văn Nhĩ đã tăng lên 6 vèo (kích thước 3mx5m), với số lượng 12.000 con. Anh Nhĩ cho biết, ếch nuôi sau 50 - 55 ngày là thu hoạch. Lúc này, trọng lượng mỗi con đạt từ 250 - 300gr. Với giá bán dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi đợt gia đình anh Nhĩ thu lãi 22-25 triệu đồng. “Mỗi năm, gia đình tôi thả nuôi 4 đợt. Thời điểm nuôi bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 10 (âm lịch), sau đó ngừng nuôi. Bình quân mỗi đợt cho năng suất 5 - 7 tấn ếch thương phẩm” - anh Nhĩ nói.
Theo anh Nhĩ, so với việc làm vèo trên cạn, nuôi ếch trong vèo đặt trên sông có nhiều ưu điểm hơn. Mô hình này thích hợp với những gia đình không có nhiều diện tích đất do tận dụng diện tích mặt nước ở sông. Ngoài ra, người nuôi không phải tốn công thay nước so với nuôi trên bờ. Tuy nhiên, để thành công không phải chuyện dễ. Theo đó, việc thả nuôi ếch trên sông phải đảm bảo mật độ, tránh nuôi quá dày để ếch sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, do thả nuôi trên sông nên việc quản lý môi trường rất khó. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện dịch bệnh, từ đó có biện pháp điều trị hợp lý. “Bệnh trên ếch chủ yếu là sình bụng chướng hơi, sốt xuất huyết, đốm đỏ... Các loại bệnh này nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Để đề phòng các loại bệnh này cần phải có chế độ ăn hợp lý, thường xuyên kiểm tra vèo để sớm phát hiện bệnh, từ đó đưa ra biện pháp điều trị hợp lý” - anh Nhĩ cho hay. Về phương pháp nuôi, anh Nhĩ cho biết, ngoài việc cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, anh Nhĩ còn bổ sung thêm men vi sinh và vitamin C định kỳ 2 ngày/lần trong khẩu phần ăn của ếch. “Việc bổ sung men vi sinh giúp hỗ trợ đường ruột, hạn chế bệnh... Cung cấp vitamin C giúp ếch tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh phổ biến trên ếch” - anh Nhĩ đúc kết kinh nghiệm.
Mô hình nuôi ếch trong vèo đặt trên sông của gia đình anh Nguyễn Văn Nhĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ lân cận đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và thực hiện theo. Với ưu điểm không cần diện tích đất quá nhiều, thời gian thu lợi nhanh... nên rất thích hợp đối với những hộ có ít đất sản xuất, đặc biệt là những hộ khó khăn, mong muốn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Thời gian tới, tôi sẽ duy trì và phát triển mô hình nuôi ếch trong vèo. Hiện nay, gia đình tôi đang gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, rất mong được sự hỗ trợ của địa phương để gia đình tôi có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển mô hình chăn nuôi này” - anh Nhĩ bộc bạch.