Lan bạch trinh biển có gì hay mà cả ấp đua nhau trồng "ầm ầm"?
- Thứ ba - 01/08/2017 06:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lan bạch trinh biển còn có tên là thủy tiên, cũng có người gọi lan huệ, loa kèn, tên khoa học là Hymenocallis littoralis, thân thảo, loại sống lâu năm, cao khoảng 30 - 50cm, lá mọc sát đất, cây bụi dày đặc, lá xanh bóng, có khả năng thích ứng với nhiều loại đất cát, môi trường, khí hậu, kể cả vùng nước mặn cây cũng phát triển tốt.
Ông Lương Mạnh Hùng, người đầu tiên trồng lan bạch trinh biển đạt hiệu quả cao ở ấp Phước Lợi B.
Lan bạch trinh biển chủ yếu trồng để làm cảnh, phổ biến nhất là trồng hai bên lề đường, tô điểm cảnh quan khu du lịch, hoa viên, trước sân nhà hoặc dưới gốc cây. Lá xanh mướt quanh năm. Hoa màu trắng tinh khiết (bạch trinh), khi ngửi có mùi thơm nhẹ, vì thế nhiều người coi đây là cây hạnh phúc, thường được trang trí quanh nhà.
Ông Lương Mạnh Hùng, người đầu tiên khởi xướng phong trào trồng lan bạch trinh biển tại ấp Phước Lợi B cho biết, loài lan này rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít dùng phân bón và ít bị sâu bệnh tấn công. Cây phát triển tốt cả trên cạn và trên ruộng lúa có nước. Đặc biệt, cây mọc dầy nên có khả năng diệt cỏ rất tốt. Sau một thời gian xuống giống độ 2 - 3 tháng, cây bắt đầu sinh trưởng và ra hoa quanh năm.
Lúc đầu ông chỉ trồng vài ba liếp, thấy bán được, ông từ từ mở rộng diện tích, năm 2015 ông phát triển được 4 công. Sau 6 tháng chăm sóc, mỗi công ông thu được 10.000 củ con bán với giá từ 3.000 - 5.000đ/củ tùy theo củ lớn nhỏ. Với cách làm này ông đã thu nhập trên 200 triệu đồng nhờ bán củ giống. Từ hiệu quả đó, nay ông đã phủ xanh được 10 công, đầu ra vẫn ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua về cung cấp lại cho khách hàng ở các tỉnh, nhiều nhất là ở Đồng Tháp, TP.HCM, Kiên Giang và các tỉnh ven biển miền Trung.
Ruộng lan trinh bạch biển trồng ở xã Phước Hậu.
Năm 2016 sau khi trừ hết các chi phí ông còn lãi trên ông 500 triệu đồng. Hiện gia đình ông sản xuất không đủ bán cho khách hàng gần xa. Thấy ông Hùng ăn nên làm ra, hàng trăm hộ gia đình ở ấp Phước Lợi B, xã Long Hồ đã mua giống của ông để sản xuất kinh doanh loại lan này. Hộ trồng ít nhất cũng 1 công, hộ nhiều nhất khoảng 5 công. Tính đến nay, tổng cộng diện tích trồng lan bạch trinh biển ở ấp Phước Lợi B tăng lên gần 400 công.
Ông Hùng không chỉ bán cây giống, hướng dẫn kỹ thuật mà còn sẵn sàng bao tiêu sản phẩm, giúp người trồng có đầu ra ổn định, không sợ dội hàng. Sau đó ông sẽ bán lại cho các thương lái và các công trình hoa viên ở nhiều địa phương.
Bà Lê Thị Nhạn, ngụ ấp Phước Lợi B phấn khởi cho biết: “Từ lúc chuyển diện tích trồng lúa sang trồng Lan bạch trinh biển, gia đình bà khá lên nhờ lợi nhuận cao hơn trồng lúa nhiều lần”.