Làng nuôi dê lớn nhất miền Tây

Làng nuôi dê lớn nhất miền Tây
Sau thời gian rớt giá mạnh, nhiều người nuôi dê gần như bỏ chuồng trại, quay lưng với nghề. Nhưng làng nuôi dê Gò Công Đông (Tiền Giang) vẫn phát triển mạnh, giá dê thương phẩm, dê giống vẫn ổn định.

“Bỏ túi” vài trăm triệu

Người nuôi dê thành công nhất ở xứ Gò Công Đông phải nói đến anh Đoàn Văn Hồng, ngụ ấp Giồng Lãnh 2 (xã Tân Hòa). Nhiều năm liền anh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Riêng năm 2012, anh được xã đề nghị danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mô hình nuôi dê thuộc dự án “Cải tạo giống dê địa phương”. 

làng nuôi dê lớn nhất miền Tây
Nuôi dê trên đệm lót sinh học

  

Năm 2009, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng Dự án “Cải tạo giống dê địa phương”, nhận thấy anh có niềm đam mê và dày dạn kinh nghiệm trong chăn nuôi dê, nên đã cử anh tham dự những cuộc hội thảo do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Tiền Giang tổ chức. Anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giống dê lai và dê chuyên lấy sữa, từ đó anh xây dựng lại chuồng trại, mua 40 con dê giống lai từ trung tâm giống trong tỉnh, mang về cho phối với giống dê sữa địa phương, kết quả thu được rất khả quan. 

Lứa dê đầu tiên anh phối giống cho ra 7 con nái. Những con nái này có thời gian mang thai ngắn hơn giống dê đen truyền thống 5 - 7 ngày. Dê con sau khi sinh ra 15 - 20 phút là có thể tự tìm đến mẹ để bú, đồng thời, dê lai chu kỳ cho sữa dài hơn, giúp dê con lớn nhanh hơn, trọng lượng giống dê mới tháng đầu đạt 8 - 10 kg, nuôi 3 tháng tiếp theo đạt 17 - 20 kg. 

Hiện tại diện tích chuồng nuôi dê nhà anh Hồng rộng trên 300 m2, với 105 con, gồm 70 cái và 35 đực. Chuồng nuôi được anh phân chia ra thành nhiều ô nhỏ với diện tích khoảng 2,5 - 3 m2 để thả nuôi 1 - 2 con dê. Công việc phân chia nhiều chuồng nhỏ giúp việc chăm sóc dê dễ dàng và dê sinh sản cũng thuận lợi hơn. Anh cũng dành 1 ha đất để chuyên trồng cỏ nuôi dê. Anh Hồng cho biết: Trong khâu lựa chọn con giống, anh chọn dê sinh sản tại địa phương, do chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thức ăn tại chỗ. Quá trình nuôi, anh tuyển lựa con giống mau lớn, to con, dễ sinh sản và tránh lai giống trùng huyết vì sẽ tạo ra thế hệ sau yếu ớt, không có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cần luôn tuân thủ các quy trình và phương pháp phòng chống bệnh cho dê. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn dê của anh phát triển tốt, dê nái đẻ bình quân 1,6 lứa/năm. 

Hiện, mỗi tháng anh xuất chuồng 15 - 30 con dê giống, giá bán dê đực giống 250.000 đồng/kg, dê cái giống 350.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Hồng thu về hơn nửa tỷ đồng từ xuất bán dê giống. Trừ chi phí, anh còn thu lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn tuyển chọn những con dê già hay dê chậm lớn để bán thương phẩm. Hiện anh đang cải tạo diện tích trồng cỏ để nuôi thêm dê vỗ béo. Không dừng lại đó, anh Hồng còn dành riêng khoảnh đất 300 m2 để xây chuồng nuôi dê theo mô hình đệm lót sinh học. Anh nuôi thử 20 con và đã thu về những thành công bước đầu. Thời gian tới, anh Hồng sẽ mở rộng quy mô, nuôi khoảng 70 con, chủ yếu là dê thịt. 

  

Nuôi dê thoát nghèo

làng nuôi dê lớn miền Tây
Từ việc bán dê giống và dê thịt, mỗi năm anh Hồng thu lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng

  

Toàn xã Tân Hòa hiện có khoảng 80% hộ nuôi dê, số lượng lúc cao nhất lên đến 3.000 con, rải rác ở các ấp trong xã. Đặc biệt, ấp Giồng Lãnh 2 có số lượng tập trung khoảng 1.000 con, được xem là nhiều nhất trong huyện. 

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Đông Đông cho biết, toàn huyện có 11 xã và 2 thị trấn đều nuôi dê, tổng số đàn lên đến gần 20.000 con/năm. Hiện nay giá bán dê khá ổn định, năm 2014, lượng thịt dê hơi cung ứng cho thị trường tăng 30% so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho làng nuôi dê ở huyện Gò Công Đông. 

Cũng theo ông Quý, người nuôi cần lưu ý chọn mua giống tốt ngay từ đầu để có thể gây dựng được đàn dê khỏe mạnh. Dê là loài động vật ăn tạp nên người nuôi có thể tận dụng nguồn thực vật phong phú quanh nhà để làm thức ăn cho dê, giảm đáng kể chi phí đầu vào. Dê là vật nuôi nông nhàn, tốc độ sinh sản nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, vốn đầu tư không cao. Chính vì thế, nuôi dê là mô hình rất thích hợp cho từng nông hộ, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách bền vững.
 

Nguồn: nguoichannhuoi.vn