Lào Cai: Thoát nghèo bền vững từ cây dược liệu

(Cổng ĐT HND)- Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Mông trong thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà gắn bó với nương ruộng, quyết tâm vượt khó vươn lên từ nghề nông, phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu và cây ăn quả.
Phát triển cây ăn quả đặc sản mận Tả van và cây dược liệu đã và đang giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông ở xã Tả Văn Chư
Năm 2019, đã có 09 hộ trong thôn tham gia mô hình trồng 4 ha cây dược liệu cát cánh lấy giống và 02 ha cây đương quy thu lãi trên 500 triệu đồng.
 
 
Điển hình là gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh đã có 2 năm liên tiếp tham gia dự án trồng cây dược liệu. Vụ đông xuân 2018- 2019, gia đình chị mạnh dạn trồng gần 1 ha gồm cây cát cánh lấy giống và cây dược liệu đương quy. Đây cũng là hộ trồng nhiều nhất xã. Tháng 12/2019 chị thu hoạch bán được gần 100 triệu đồng.
 
 
Chị Linh chia sẻ: Qua 2 vụ trồng thành công, chị nhận thấy trồng cây dược liệu phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đến vụ thứ 2 là tự làm được, trồng dược liệu đòi hỏi đầu tư công lao động, chăm bón hơn trồng ngô lúa song thu lãi gấp nhiều lần. Chị đã tham mưu và cùng các đồng chí cấp ủy chính quyền thôn vận động 50/53 hộ dân trong thôn tham gia trồng hơn 10 ha cây dược liệu cát cánh niên vụ 2020 trong hai tháng 1, 2.
 
 
Bên cạnh đó, chị trồng hơn 50 gốc mận tả van, mận tam hoa, lê, vườn rau xanh, giàn bí, su su…; nuôi hơn chục con lợn và 4 con trâu, từ chăn nuôi lợn đen và nuôi trâu vỗ béo trung bình mỗi năm cũng cho nguồn thu đáng kể. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác ở vùng cao hiện nay.
 
 
Các hộ trên địa bàn xã đã nhận đủ tiền thu hoạch, bán sản phẩm 8 ha cây dược liệu đương quy và cát cánh năm 2019 vào đầu tháng 1 dương lịch trước Tết, với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, trong đó thôn Lả Gì Thàng có 6 ha. Hiện nay bà con đang chăm sóc diện tích đã trồng sớm trong tháng 1, đầu tháng 2, trong đó có 5 ha cây đương quy; 15ha cát cánh, vượt 7,8 ha so với kế hoạch huyện giao.
 
 
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ ở thôn Lả Gì Thàng nói riêng và xã Tả Văn Chư đã phát nương, rẫy, đầu tư vốn mở rộng diện tích trồng 7,8ha cây dược liệu cát cánh, trong đó thôn Lả Gì Thàng trên 10 ha.
 
 
Từ nguồn vốn 135 CP năm 2019, UBND xã đã cấp phát cho bà con 1.400 cây giống cây lê tai nung và 1.405kg phân NPK, trong tháng 1/2020, vào thời vụ, bà con nông dân đã trồng xong, trong đó gần 50% diện tích ở thôn.
 
 
Hiện thôn Lả Gì Thàng là vùng trọng điểm trồng chè Shan, mận, lê tai nung của xã với diện tích hơn 20 ha cây chè, hơn 20 ha cây mận, lê...
 
 
Bên cạnh phát triển cây trồng mới, cây dược liệu đương quy và cát cánh hiệu quả, xã còn tập trung phát triển cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới. Đã hình thành vùng cây ăn quả tổng diện tích 130ha. Trong đó chủ yếu là mận địa phương như cây mận Tả Van ,Tả Hoàng Ly, mận Hậu, Lê tai nung, lê địa phương, đặc biệt hình thành vùng chuyên canh mận tả van đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, đem lại thu nhập hàng năm triệu đồng/năm.
 
 
Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2018. Số hộ nghèo toàn xã còn 128/455 hộ, chiếm 28,13%, giảm 66 hộ, đạt tỷ lệ 14,57%.
 
 
Có thể nói, mô hình trồng cây dược liệu đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới vùng cao Tả Văn Chư./.
Tráng Xuân Cường/http://www.hoinongdan.org.vn/