Lào Cai: Thoát nghèo nhờ cây chuối

Như bao thanh niên dân tộc Mông khác ở thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, anh Hoàng Seo Quáng (sinh năm 1979) có dáng dấp mộc mạc, chân chất của người dân lao động thực thụ. Nhưng đằng sau khuôn mặt hiền từ, cử chỉ nhỏ nhẹ của anh là một tinh thần, nghị lực, ý chí quyết tâm lao động, làm giàu đáng khâm phục.

Anh Quáng sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nông, nhà nghèo nên ước mơ học hết phổ thông của anh phải dang dở để ở nhà phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng, nương đồi. Lấy vợ, sinh con rồi làm nhà ở riêng, anh Quáng vẫn nghèo như bao gia đình trẻ khác ở thôn Sấn Pản. Lắm lúc nhìn vợ con nheo nhóc khiến anh nuốt thầm nước mắt. Không chịu cảnh khó khăn, sau những năm đầu củng cố sản xuất lương thực để ổn định đời sống, anh Quáng có điều kiện để thỏa chí làm giàu. Nhưng làm gì trên mảnh đất này bởi từ trước tới nay chỉ có cây ngô, cây lúa, chăn nuôi theo lối tự cấp, tự túc. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Quáng cũng chưa bao giờ đi qua khỏi xã Nậm Chảy. Trăn trở hồi lâu, anh quyết định phải gặp để hỏi cán bộ khuyến nông địa bàn. Cán bộ khuyến nông bảo: “Mình có đất, có sức lao động, có nhiều thuận lợi khác, muốn làm giàu trước hết phải có tinh thần lao động tích cực đã”. Chỉ nghe thế thôi cũng đã làm anh Quáng như “mở cờ” trong bụng bởi anh vốn chịu khó làm việc, ham học hỏi, không ngại gian khổ.

Nghe lời khuyên của cán bộ khuyên nông địa bàn, anh Quáng dành mấy ngày để lặn lội đến xã Bản Lầu cách nơi ở đến gần 10 cây số đường rừng để tìm hiểu việc trồng dứa, trồng chuối mô. Dứa thì cần điều kiện tiêu thụ thật tốt, trong khi ở Nậm Chảy chưa hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nên anh Quáng đã chọn cây chuối mô là hướng thử nghiệm trước khi mở rộng diện tích. Còn nhớ những ngày đầu tiên, anh Quáng có bao nhiêu cảm xúc đan xen, mong chờ khắc khoải từng ngày, lo lắng, hồi hộp. Dường như ngày nào anh Quáng cũng dành thời gian để kiểm tra, đo đếm từng gốc chuối, khi có hiện tượng lạ anh gọi điện thoại hỏi những người có kinh nghiệm ở xã Bản Lầu và nhờ cán bộ khuyến nông cho kỳ được mới yên tâm. Nhờ có cán bộ khuyến nông địa bàn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm và tinh thần hăng say lao động của bản thân nên hơn một trăm gốc chuối của anh Quáng trong vụ thu hoạch đầu tiên đã đạt năng suất, chất lượng rất cao.

Anh Quáng chăm sóc vườn chuối của gia đình

Sau vụ đó, anh Quáng mạnh dạn vay vốn mở rộng diện tích và đến nay thì anh đã có hơn 1 ha chuối mô đang phát triển, khai thác ổn định. Mỗi năm cây chuối mô đang cho gia đình anh Quáng nguồn thu đến 80 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí cơ bản. Ngoài tập trung vào trồng chuối, anh Quáng còn mở hướng phát  triển kinh tế tổng hợp như chăn nuôi trâu 3 con, 2 con bò và đàn gia cầm, thủy cầm hàng trăm con, đào ao thả cá. Bên cạnh các nương chuối mô, anh Quáng vẫn dành nguồn lực lao động cho trồng ngô. Mỗi năm riêng nguồn thu nhập từ ngô hạt của gia đình cũng vào khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Kinh tế phát triển ổn định, anh Quáng có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình như xây dựng nhà cửa, mua sắm tài sản, vật dụng và đặc biệt là chăm sóc, nuôi dạy tốt cho 2 đứa con.

Ngoài công việc gia đình, anh Quáng vẫn luôn sắp xếp, dành thời gian hợp lý cho công tác xã hội. Hiện anh là Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nậm Chảy. Nhưng điều mà anh Quáng vẫn tự hào nhất vẫn là việc mới đây anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích sản xuất giỏi.

Ở độ tuổi của anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm quả thực không dễ tìm. Nhiều người hỏi anh Quáng về bí quyết làm giàu anh chỉ cười mà bảo: “Mình chỉ biết tích cực làm, chịu khó học hỏi, trồng cây mới, con mới, giống mới mà chưa biết thì cứ hỏi cán bộ khuyến nông ấy”. Chỉ như vậy thôi, anh Hoàng Seo Quáng đã xứng đáng là một tấm gương để nhiều người dân học tập và làm theo.

                                                         Nguyễn Hồng Ngân

Trạm khuyến nông huyện Mường Khương, Lào Cai