Lão nông 83 tuổi tăng thu nhập nhờ “níu kéo” lũy tre làng
- Chủ nhật - 30/09/2018 11:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào những năm 1980, gia đình ông Sang mướn xáng cuốc vào để lên liếp trồng mía và bạch đàn nhưng đem lại hiệu quả thấp, tốn nhiều công chăm sóc. Sau đó, ông mạnh dạn chuyển qua trồng tre để làm kinh tế.
Trồng tre ít tốn công chăm sóc do tre có sức sống mãnh liệt nên không cần đến phân, thuốc thì tre vẫn phát triển tốt. Ông Sang chia sẻ "Tôi lớn tuổi nên sức khỏe hạn chế, không làm những công việc nặng như trước được. Hằng ngày, lúc nào khỏe thì tôi ra dọn lá và nhánh tre".
Với diện tích 6 công trồng tre, hằng năm ông Sang xuất bán ra thị trường hơn 3.500 cây tre với giá dao động từ 23.000 – 25.000 đồng/cây, giúp gia đình ông thu về hơn 80 triệu đồng.
Do vườn tre của gia đình đã trồng hơn 20 năm nếu không chăm sóc tốt tre rất dễ già cỗi. Vậy nên, ông Sang quyết định đầu tư máy bơm, hệ thống ống dẫn để tưới nước cho tre. Song, hằng ngày ông vẫn cặm cụi vô đất nhằm giúp cho măng tre đủ chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài ra, ông thường xuyên cắt tỉa nhánh, dọn những lá tre rụng rồi ủ làm phân để vô gốc tre. Trồng cây rồi cũng đến ngày cho quả ngọt, tre đã cho gia đình ông nguồn lợi nhuận ổn định và tạo nên nét đẹp mộc mạc như tranh vẽ khi nói về làng quê Việt Nam.
Ông Sang tâm sự: "Mỗi tháng tôi thường kiểm tra và đánh dấu những cây tre già để cho thương lái đến tự đốn, do thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu nên tôi có tre bán liên tục". Ông lý giải thêm, nếu thu hoạch một lần thì măng tre không có cây lớn kèm cặp, cản gió rất dễ bị gãy và hiệu quả các vụ sau sẽ không cao.
Cây tre đã gắn bó với người dân thôn quê từ bao đời nay. Tre có đặc tính bền, tiện dụng như: làm nhà, móng cừ, cọc bờ kè… nên ông Sang không lo chuyện đầu ra cho cây tre. Bên cạnh đó, tre còn níu kéo và lưu giữ những ký ức tuổi thơ của bao người sinh ra và lớn lên từ làng quê.
Ông Sang cho biết: "Tôi sẽ trồng tre đến khi sức khỏe không còn cho phép. Đối với tôi, tre như một người bạn, nơi để nhớ về một thời thơ ấu".