Lão nông "biến" đồi trọc cằn cỗi thành "kho báu"
- Thứ tư - 17/10/2018 21:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng.
“Tôi sinh ở miền Bắc, lớn lên ở miền Nam và lập nghiệp ở miền Trung”, ông Tuấn vừa đi vừa kể về mình khi dẫn chúng tôi thăm “kho báu” Ma Ka. Quê gốc của ông Tuấn ở Xuân Sơn, Đô Lương (Nghệ An) thế nên khi rời quân ngũ năm 1994, ông Tuấn đã cùng vợ về quê lập nghiệp khi chẳng có gì ngoài bàn tay trắng.
Thấy mình không có khả năng buôn bán nên ông bàn với vợ mua hẳn vùng đất hoang Ma Ka rộng 20,5 ha để lập nghiệp. Có đất, suốt một năm ròng, máy móc cứ thế ầm ầm vang cả một vùng… . Hết san đồi, cào xới đất rồi đào ao, đắp bờ, xẻ mương thoát nước… gia đình ông làm quần quật bất kể mưa nắng.
“Ban đầu nghĩ dễ thu nhập, năm 1995, tôi cho trồng 10ha nhãn lồng Hưng Yên. Suốt ba năm chăm bẵm, nhãn mới cho quả bói nhưng thấy không ăn thua nên đã chặt bỏ gần hết, chỉ để lại chừng 1ha. Đó là do hệ thống điện, nước tưới tiêu kém, lại sử dụng phân bón hóa học nên đất càng bạc màu”, ông Tuấn nhớ lại.
Sau đợt “bể” vì nhãn, ông Tuấn quay sang đào 1ha ao thả cá giò, nuôi gà lấy phân bón cho cây, trồng keo lai và thuê đất mở 16 lò ấp gà, vịt giống tại các huyện lân cận như Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành… Đang làm ăn thuận lợi, năm 2003, dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng khiến ông Tuấn lỗ nặng.
Mân mê chiếc mũ trong tay, giọng ông Tuấn bùi ngùi: “Hàng ngàn con gà, vịt giống; hàng chục ngàn quả trứng gia cầm phải tiêu hủy mà như đứt từng khúc ruột. Sau đợt dịch, lò ấp cũng tiêu tan luôn”.
Không nản chí, ông tiếp tục thế chấp đất đai vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu để đầu tư chuồng trại theo hướng công nghiệp chăn nuôi lợn thịt và lợn giống nhập ngoại. Từ năm 2004-2010, nhờ chăn nuôi thuận lợi, ông Tuấn phất lên như diều gặp gió.
Có thời điểm, trang trại của ông có đến 200 lợn nái, 2.000 lợn thịt, 1.000 lợn con. Điều rất đặc biệt, các con lợn đều được đánh mã số ở tai để thuận tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng nên vấn đề môi trường là trở ngại rất lớn. Lường trước vấn đề ô nhiễm do chất thải chăn nuôi quá lớn, năm 2011, ông Tuấn đầu tư đưa đệm lót sinh học và xây dựng bổ phốt bioga xử lý chất thải.
Từ ngày áp dụng đệm lót sinh học, chuồng trại ông Tuấn sạch sẽ và gần như không có mùi hôi thối, dù đứng trong khu vực chăn nuôi với số lượng hàng ngàn con lợn. Theo ông Tuấn, để đảm bảo môi trường, bí quyết mang tính quyết định là phải xử lý tốt thức ăn cho lợn.
Ở trang trại của ông, các loại thức ăn được trộn men tiêu hóa và các loại men vi sinh khử mùi, vì vậy, chất thải rắn của lợn đã cơ bản giảm được mùi hôi. Bên cạnh đó, phải tách kịp thời chất thải rắn của lợn ra khỏi chất thải lỏng. Chất thải rắn được đựng vào bao kín bỏ men vi sinh khử hoai; chất thải lỏng được đưa xuống hệ thống hầm Bioga ngầm để xử lý lắng lọc.
Một điều giúp cho môi trường ở trang trại chăn nuôi này được đảm bảo sạch sẽ là khu vực ngoài cùng được quy hoạch trồng nhiều các loại cây như keo lai, sắn, lát; vùng gần trại chăn nuôi trồng các loại cây ăn quả như thanh long, bưởi Diễn, quýt đường miền Nam…
Thế nhưng, cũng như bao chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp khác, ông Tuấn đã phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Đó là khi giá lợn chạm đáy, gia đình ông được phen chao đảo.
“Đây là giống lợn Thái Lan nên giá đắt, mỗi con nái có giá trị bình quân từ 35 - 50 triệu đồng; riêng lợn giống, mỗi con nặng chừng 6 - 7kg, có giá bình quân khoảng 1,8 triệu đồng. Nên khi giá lợn năm 2017 sụt giảm khiến tôi lỗ nặng, chỉ trong vòng một năm mà mất đứt hơn 6 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.
Bén duyên trên vùng đất cằn cõi.
Rời khu chăn nuôi lợn nhưng rất sạch sẽ, ông Tuấn dẫn tôi tham quan vườn cây ăn quả rộng mấy ha. Đâu ra đấy, chỗ này là 1ha thanh long ruột đỏ, kia là 1ha bưởi da xanh, bưởi diễn, quýt ngọt…
Từ 20,5ha ban đầu, ông Tuấn đã nhượng lại cho người thân 5ha làm trang trại chăn nuôi gà. Hiện ông Tuấn đang sở hữu 15,5ha, trong đó có 10ha rừng, 2ha xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi và nhà kho, nhà ở, 3ha gồm nhãn vải, thanh long, bưởi, cam, quýt… .
Toàn bộ khu vực trồng trọt được ông đầu tư hai hệ thống tưới tự động gồm tưới nước sạch và tưới nước thải chăn nuôi. Khu vực giữa trang trại, ông Tuấn đào giếng lấy nước ngầm để tưới; còn chất thải lỏng của khu vực chăn nuôi sau khi xử lý qua bể bioga đã được tưới cho cây theo hệ thống tự động. Mỗi khu vực, mỗi khoảnh được lắp đặt van khóa riêng để điều tiết nước tưới hợp lý.
Mô hình trang trại lợn thoáng đãng không gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ vào những cây thanh long ruột đỏ lúc lỉu quả, ông Tuấn giải thích: “Không riêng gì thanh long mà tất cả các loại cây ở trang trại đều được bón phân hữu cơ. Sau khi thay đệm lót, tôi đã bỏ thêm men vi sinh xử lý hoai mục rồi bón cho cây. Chất thải rắn từ lợn được đóng vào từng bao rồi cũng được bỏ men vi sinh xử lý trước khi bón cho cây trồng. Với cách làm này, ông Tuấn đã tận dụng triệt để chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt mà không cần phải mua thêm phân bón nên sản phẩm trồng trọt rất đảm bảo chất lượng”.
Hiện tại, mỗi năm, hết lứa này đến lứa khác, ông Tuấn thu lợi 300-400 triệu đồng từ bán gỗ keo lai, 150-200 triệu đồng từ bán quả thanh long và hàng chục tấn lợn giống, lợn thịt…
Ông Tuấn cười tươi rói: “Tính ra, mỗi năm thu lợi 1-2 tỷ đồng từ trang trại Ma Ka là bình thường. Sản phẩm thanh long ruột đỏ đã được chứng nhận VietGAP năm 2017 và 80% đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch của thành phố Vinh”.
Theo ông Tuấn, khu vực chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì để lấy chất thải bón cho cây trông. Riêng khi vực trồng trọt, ông đang tính mở rộng quy mô bằng cách đưa thêm nhiều loại cây ăn quả vào canh tác.
Lập nghiệp từ 1994, hơn 20 năm sau, khi nghề chăn nuôi thành công, cũng là lúc Ma Ka bạt ngàn màu xanh cây lá. Người dân trong vùng ví Ma Ka là "kho báu" với mỗi năm doanh thu xấp xỉ 15 tỷ đồng, tạo việc làm lúc cao nhất đến 12 lao động quanh vùng là vì thế.
Nguyễn Tú/dantri.com.vn