Lão nông đánh thức “giấc ngủ tiền tỷ” của những đầm hoang

Với 40ha đầm ven biển, ông Hoàng Bá Êm (sinh năm 1959, ở thôn Đông Nhà Thờ, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) là một trong những người đã tiên phong khai khẩn đầm hoang để nuôi tôm, cá. Ông Êm được xem như người đánh thức “giấc ngủ tiền tỷ” của những đầm hoang ven biển…

Đam mê từ mảnh đất nghèo

Ông Êm sinh ra ở thôn Đông Nhà Thờ-mảnh đất có nghề chài lưới, đánh bắt truyền thống, ngư dân quanh năm vất vả vẫn không đủ sống, nghèo đói đeo bám hết đời này qua đời khác… Dân trong làng lần lượt bỏ quê, vượt biển trốn ra nước ngoài, trong đó có nhiều người thân, bàn bè của ông Êm. Nhưng ông Êm không đi, chấp nhận ở lại quê hương chăm nom bố mẹ, bám đất, bám biển làm ăn.

 lao nong danh thuc “giac ngu tien ty” cua nhung dam hoang hinh anh 1

Ông Êm thường xuyên theo dõi sức khỏe  đàn cá vược nuôi trong ao, đầm. Ảnh: Thu Thủy .

Với phẩm chất cần cù, chịu khó trong mọi công việc, nhiệt huyết hăng say với các hoạt động kinh tế, xã hội tại địa phương, ông Hoàng Bá Êm đã phần nào thực hiện được ước mơ làm giàu chính đáng của mình. Trao đổi với phóng viên, ông Êm chia sẻ: “Thành công hôm nay của tôi mới chỉ là bước đầu. Tôi và các thành viên trong gia đình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”. 

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, nhà nước có chủ trương hỗ trợ xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, quy hoạch vùng bãi triều để chuyển đổi đánh bắt gần bờ sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng phòng hộ. Năm 1992, ông Êm và gia đình đã mạnh dạn thầu lại diện tích đầm hoang của xã. Ông vận động anh em họ hàng hai bên gia đình tập trung công sức và tiền của vào đầu tư đắp đập, trồng cây chắn sóng bảo vệ đập và đầu tư nuôi tôm, cua theo phương thức quảng canh.

Lúc đầu bắt tay vào công việc, ông Êm cũng gặp muôn vàn khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu cả gạo ăn, thức uống để duy trì sức người trong hành trình quai đê, lấn biển, bồi đắp ao, đầm… Vụ nuôi hải sản đầu tiên, ông Êm đã thất bại với lý do cực kỳ dễ hiểu-đó là khi đắp đập khoanh vùng, nguồn nước bị nhiễm chua lại không biết cách xử lý kịp thời, vụ nuôi đó bao nhiêu con tôm giống, cua giống đổ xuống đầm gần như  bị xóa sổ. Không nản lòng, ông Êm động viên gia đình quyết tâm làm lại từ đầu. Được sự giúp đỡ về vốn và mời tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng hải sản do Hội Nông dân tổ chức, ông Êm lại tiếp tục gây dựng nghiệp quai đê lấn biển, nuôi trồng hải sản vùng triều. Vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình khác, ông Êm tiến hành nuôi thả hải sản năm thứ 2. Lần này ông mới bắt đầu thành công và cho kết quả ổn định.

 lao nong danh thuc “giac ngu tien ty” cua nhung dam hoang hinh anh 2

Ông Êm xúc cá tạp đưa xuống đầm cho đàn cá vược ăn. Ảnh: Thuy Thủy.

Nắm chắc được kỹ thuật trong tay cùng với kinh nghiệm, ông tự tin mở mang thêm diện tích đầm nuôi hải sản. Mỗi năm quy mô nuôi trồng hải sản của gia đình ông Êm lại được tăng dần. Năm 2011, ông đã mạnh dạn quy hoạch 13ha sang nuôi cá vược, cá trắm đen, chỉ để lại 27ha nuôi tôm, cua quảng canh vì nhận thấy vùng nước nơi đây rất phù hợp cho việc nuôi cá trắm đen và cá vược.

Lấy cá... nuôi cá

Theo ông Êm, cá vược (cá chẽm) là giống có giá trị kinh tế cao. Thức ăn của chúng hoàn toàn bằng cá nhỏ, cá tạp khác như cá nhâm, cá lục, bạc má… Những loại cá này rất sẵn, ngư dân vùng biển đánh được mỗi chuyến đi khơi rồi phân phối cho các cơ sở chế biến nước mắm, ông Êm thu mua những loại cá này về dùng làm thức ăn nuôi cá vược trong đầm. Bấy giờ, con cá vược là loài nuôi mới, thế nên khi thấy ông nuôi, nhiều người chưa tin vào sự thành công của mô hình lấy cá nuôi cá này.

 lao nong danh thuc “giac ngu tien ty” cua nhung dam hoang hinh anh 3

Công nhân trong trang trại nuôi thủy sản của gia đình ông Êm xử lý cá tạp để làm thức ăn cho tôm, cá nuôi trong đầm. Ảnh: Thu Thủy.

Ông Êm bỏ ngoài tai mọi lời xầm xì và những ánh mắt nghi ngại. Ông quyết định mua 20 vạn cá vược giống từ cơ sở uy tín mang về quây lưới thành một ao nhỏ để gột và thuần thục cho cá lớn bằng 3 đầu ngón tay rồi chuyển ra đầm thả. Lúc nuôi vược giống ông phải xay nhỏ thức ăn cho chúng, huấn luyện chúng quen với giờ được ăn mồi. Thay cho việc gõ kẻng gọi cá về ăn thì ông Êm ấn định một khung giờ cá ăn: Cứ 2 ngày 1 lần ăn vào lúc 10 giờ sáng.

Khi cá lớn rồi, thức ăn chỉ cần chặt nhỏ là được. Sau 18 tháng nuôi thì cá vược được thu hoạch. Lúc này, mỗi con cá vược có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3kg, với giá bán từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Cá vược nuôi tại đầm nhà ông Êm phát triển tốt, nguồn nước và thức ăn sạch nên cá lúc nào cũng khỏe mạnh. Chính vì vậy sản phẩm được nhiều nhà hàng khách sạn, chợ đầu mối lớn ưa chuộng, thương lái các nơi về thu mua.

 lao nong danh thuc “giac ngu tien ty” cua nhung dam hoang hinh anh 4

Dù nuôi với sản lượng tôm, cá khá lớn, nhưng sản phẩm từ đầm của gia đình ông Êm chưa bao giờ tồn, ế. Ảnh: Thu Thủy.

Hiện nay, hệ thống đầm của ông  Êm cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn cá vược các loại mỗi năm, chưa kể tôm sú và cua biển. Trừ mọi khoản chi phí giống, nhân công và thức ăn… ông thu về trên 1 tỷ đồng tiền lãi. Mô hình nuôi hải sản của ông Êm đã tạo công ăn việc làm cho 22 lao động với mức lương ổn định từ 6,5 -7 triệu đồng/tháng.

Được biết, ông Êm đang ấp ủ hướng làm ăn mới với quy mô, tầm cỡ lớn hơn, tiếp thu kỹ thuật mới tiên tiến hơn. Đó là mô hình liên kết cùng các hộ nông dân sản xuất giỏi khác để tạo thêm con giống hải sản tốt, giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm ăn để phát triên sản xuất, nâng cao giá trị hải sản nuôi trồng quy mô hàng hóa giúp người nông dân chủ động và từng bước làm chủ thị trường…

Theo Danviet.vn