Lắp camera giám sát đàn heo, nông dân thành tỷ phú
- Thứ hai - 24/09/2018 22:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người mà chúng tôi nói đến là anh Trần Như Kiên – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phương Nam, bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Từ hai bàn tay trắng, anh “phất lên” thành tỷ phú nuôi heo với trang trại trên lưng chừng núi xã biên giới Lóng Phiêng.
Năm 2006, anh về quê mua 2 con heo nái và vài chục heo giống về nuôi thương phẩm. Thời gian đầu nuôi heo, anh thua lỗ sạch sành sanh. Tôi nuôi con nào chết con nấy, dịch bệnh liên miên xảy ra với đàn heo của gia đình tôi” - anh Kiên thở dài, nhớ lại.
Không nản trước khó khăn, tháng 6/2008, anh quyết định đặt cược toàn bộ gia sản của mình vào lứa heo này. Anh thế chấp sổ đỏ, vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Yên Châu, tiếp tục đầu tư nuôi heo nái và heo thương phẩm. Trở về, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại, sau đó quay trở lại Hà Nam mua 17 con heo nái và 100 heo con về nuôi. Anh nhốt heo nái và heo con ở 2 dãy chuồng tách biệt, chăm sóc, cho ăn theo khẩu phần, chế độ dinh dưỡng khác nhau. Chẳng mấy chốc, đàn heo nái lần lượt đẻ lứa đầu tiên, anh giữ lại nuôi toàn bộ. 100 con heo giống anh mua về cũng lớn nhanh trông thấy, chuẩn bị đến kì xuất chuồng. Sau 2 năm khôi phục lại đàn heo, anh Kiên đã có khoản lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng vào cuối năm 2010 và từ một nông dân với 2 bàn tay trắng, Kiên phất lên thành tỷ phú.
Lắp camera giám sát
Trại heo của anh Kiên khá quy mô với nhiều khu, nhiều dãy chuồng nuôi nhốt các loại heo khác nhau. Khu nuôi heo đẻ, heo bầu nằm cách xa khu nuôi heo thịt. Dãy chuồng đẻ, chuồng bầu, heo được nhốt trong lồng sắt, chạy thành hàng dọc, dài vài chục mét, thoáng mát. Phía trên dãy lồng nhốt heo đẻ, heo bầu là dây treo những tờ giấy A4, được bọc ni lông, ghi nhiều số liệu tương ứng với từng chú heo nhốt trong lồng.
Dẫn chúng tôi ra thăm những dãy chuồng nuôi heo thương phẩm, chỉ vào những máng ăn tự động, anh Kiên cho biết: “Đó là một trong những chìa khóa thành công của tôi. Mỗi ngày, tôi đổ cám vào những chiếc máng ăn tự động (dành cho heo có trọng lượng từ 15 - 45 kg) một lần, heo đói lúc nào ăn lúc đó, ăn no lại lăn ra ngủ. Cho ăn kiểu này, heo lớn rất nhanh”.
Cùng với lắp đặt những máng ăn tự động, anh lắp hệ thống camera giám sát trong các khu chăn nuôi heo và kết nối với điện thoại. Cầm điện thoại trên tay, anh khoe với chúng tôi: “Lắp camera giám sát ở trại heo rồi kết nối với điện thoại thông minh thông qua mạng internet, quả thật rất tiện lợi. Dù ở xa đến đâu, miễn là có sóng điện thoại, chỉ cần bật 3G, Wifi, mở điện thoại ra tôi có thể nắm bắt tường tận mọi hoạt động diễn ra trong khu chăn nuôi. Heo no hay đói, có cắn nhau hay không... tôi đều nắm bắt được, từ đó có những chỉ đạo kịp thời để công nhân chăm sóc đàn heo tốt hơn”.
Hiện trong trại heo của anh Kiên có 160 con heo nái, 1.500 con heo thương phẩm với các độ tuổi khác nhau. Mỗi năm, anh xuất bán cho thương lái trên dưới 4.000 con heo thịt, tương đương với khoảng 400 tấn heo hơi. Năm 2016, sau khi trừ chi phí, anh lãi 2,7 tỷ đồng từ cung cấp heo thịt ra thị trường.
“Những tháng đầu năm 2017, giá heo xuống thấp đỉnh điểm, nhiều người lao đao, bỏ chuồng thì tôi lại đi mua 150 con heo về nuôi (mỗi con có trọng lượng khoảng 40 - 50 kg). Vài tháng sau, khi giá heo đột ngột tăng lên tới 44.000 đồng/kg heo hơi, tôi xuất bán hết cho thương lái. Lứa heo đó, tôi lãi hàng trăm triệu đồng. Làm nghề chăn nuôi cũng phải biết kiên trì, lăng nghe, phân tích tình hình và ứng dụng những tiến bộ xã hội thì mới có nhiều lợi nhuận” - anh Kiên phấn khởi cho biết.
Văn Chiến/nguoichannuoi.vn