Liễn Sơn - mô hình thủy lợi tiên phong
- Thứ hai - 27/06/2016 06:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với bề dày 45 năm xây dựng và phát triển, Cty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn đang là một trong những đơn vị tiên phong trong tổ chức, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, trở thành nơi đổi mới, điểm tựa, chỗ dựa vững chắc cho người dân yên tâm vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đổi mới để phát triển
Hiện nay, mô hình tổ chức của Cty có 5 phòng chức năng và 10 xí nghiệp trực thuộc. Để mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi có hiệu quả, từ Cty đến các xí nghiệp thủy lợi đã thành lập BCĐ phòng chống hạn vụ chiêm, vụ mùa.
Đồng thời thành lập 1 tổ dẫn nước ở mỗi xã, phường, thị trấn… để dẫn nước tưới tiêu đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Các xí nghiệp thủy lợi phối hợp với các chính quyền địa phương, Phòng NN-PTNT các huyện, thành, thị… lập kế hoạch chống hạn, tiêu úng phù hợp với từng khu vực, đáp ứng mọi yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất, không để hạn hán, ngập úng xảy ra.
Cty còn luôn bám sát lịch xả nước của các hồ thủy điện, lịch gieo trồng của địa phương để điều chỉnh lịch tưới phù hợp cho từng loại cây trồng. Có phương án trữ nước vào các ao, đầm, hồ… để phòng hạn. Chỉ đạo các trạm thủy lợi làm tốt công tác vệ sinh, nạo vét kênh mương nội đồng trước khi vào vụ, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị các phương án chống hạn, chống úng.
Tiếp đó là tăng cường công tác quản lý sử dụng tiết kiệm nước hiệu quả, tăng cường kiểm tra công tác dẫn nước nội đồng, tránh hiện tượng lãng phí nước, hoặc hạn úng.
Các xí nghiệp thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở về công tác kiềm chế, dẫn nước; hạn, úng từng khu vực, để có biện pháp xử lý kịp thời. Trước mỗi vụ, kiểm tra công tác bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị máy trạm bơm, máy đóng mở để đảm bảo phục vụ tưới tiêu hiệu quả nhất, đặc biệt là tại các bơm tiêu lớn.
Khu đập tràn thủy lợi đầu nguồn Liễn Sơn, nơi cung cấp nguồn nước cho nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Mặt khác, Cty giao khoán quản lý vệ sinh kênh tiêu liên xã luôn thông thoáng, không để ách tắc dòng chảy. Cuối vụ đông có kế hoạch lập lịch đóng cống, để tu bảo, sửa chữa, nạo vét các cửa khẩu, bể trạm bơm, các tuyến kênh mương trong hệ thống. Thực hiện nghiêm túc công tác thường trực phòng chống lụt bão 24/24h để xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo công trình an toàn.
Bên cạnh đó, Cty tập trung làm tốt công tác quản lý và bảo vệ công trình, các xí nghiệp thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương có ý thức, trách nhiệm bảo vệ công trình.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, Cty lập kế hoạch tu bổ công trình trong hệ thống hàng năm, bao gồm sửa chữa thường xuyên trong hệ thống, các xã, phường thị trấn; sửa chữa đột xuất. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cải tạo, nâng cấp kênh mương. Năm 2016 phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch về xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, bên những mặt đạt được, để hoàn thành tốt kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, Cty đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc có kế hoạch đầu tư vốn bê tông hóa kênh mương, cải tạo nâng cấp một số công trình trạm bơm tưới tiêu trong hệ thống, nạo vét các kênh mương liên xã, liên huyện; hỗ trợ kinh phí hoạt động, chống hạn vụ chiêm năm 2016.
Khu vận hành đóng mở cống ở đập tràn đầu nguồn Liễn Sơn
Đồng thời đề nghị UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân không xả rác thải xuống dòng kênh kênh gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường; chỉ đạo ngành điện cung cấp điện 24/24h, để các bơm đảm bảo vận hành tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vì sự nghiệp nông nghiệp
Để minh chứng cho những đổi thay, phát triển của Cty, chúng tôi cùng Trưởng phòng Tổ chức Cty Nguyễn Danh Tùng đi thực tế xuống một số cơ sở thủy lợi do Cty quản lý, mới thấy được sự nỗ lực, vươn lên, vì sự phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân.
Điển hình là xí nghiệp thủy lợi Móng Cầu. Xí nghiệp có 39 người; khai thác, quản lý 18,3km kênh nước chính hữu ngạn Lập Thạch, 40 trạm bơm lớn nhỏ có công suất từ 300 - 5.000 m3/h và quản lý 231km kênh nước nội đồng; quản lý, khai thác, phân phối nước cho 10 xã thuộc huyện Lập Thạch.
Anh Đinh Công Thắng - GĐ Xí nghiệp cho biết: “Khu vực quản lý, khai thác của xí nghiệp tương đối rộng, huyện Lập Thạch thuộc khu vực trung du miền núi, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập úng. Nên cán bộ, công nhân viên ngày nào cũng túc trực 24/24h, không kể ngày nào cũng phải xuống cơ sở. Từ khi xí nghiệp quản lý, đã điều tiết hợp lý giữa các vùng miền, khu vực, khắc phục, sửa chữa kịp thời các công trình đảm bảo tưới tiêu.
Các nguồn nước đều được vận hành theo một lộ trình, kế hoạch chặt chẽ
Bên cạnh đó, từ khi chúng tôi quản lý, người dân rất phấn khởi, đồng thuận, người dân hầu như phó mặc tất cả cho xí nghiệp, kể cả đưa nước vào ruộng cho dân. Thực tế chúng tôi chỉ đưa nước đến các kênh cấp III là hết, nhưng vì nông dân, vì nông nghiệp chúng tôi phải làm thay dân”.
Khác với quản lý, khai thác thủy lợi ở Xí nghiệp Móng Cầu, Xí nghiệp Trạm bơm điện đầu nguồn Bạch Hạc làm niệm vụ chủ yếu bơm nước từ sông Lô lên cung cấp nước, phân phối, điều tiết nước cho khu vực toàn tỉnh.
Được đầu tư máy móc hiện đại từ Thụy Điển, với 5 tổ máy bơm chìm, có công suất lên đến 8.000 m3/h, để vận hành riêng 5 tổ máy này, 10 công nhân, kỹ sư đã chia 3 ca, 4 kíp trực. Ngoài ra, xí nghiệp còn đầu tư tàu hút bùn, để nạo vét dòng chảy. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn được đầu tư các máy bơm dã chiến có công suất trên 110.00 m3/h để sẵn sàng cứu úng, giải hạn.
Anh Nguyễn Anh Phương, Trạm trưởng Trạm bơm điện đầu nguồn Bạch Hạc chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chưa quản lý, nước rất lãng phí, bơm trên sông này thì chảy ra sông kia, nước trong ruộng không có, ngoài mương thì cứ chảy tự do, chảy trượt hết. Từ khi chúng tôi tiếp nhận, có sự giám sát, điều tiết hợp lý, nước không bao giờ thiếu, không ngập úng”.
Còn ông Nguyễn Danh Tùng cho rằng: “Cty được thống nhất, các bộ phận về một mối, không còn ai đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm. Công việc được bố trí thích hợp. Trước đây Cty chỉ quản lý về các công trình thủy lợi từ cấp I đến cấp II, còn cấp III, các kênh mương nội đồng phụ thuộc vào các HTX nên trên chỉ đạo dưới không làm. Khi về một mối, Cty trực tiếp quản lý, trả lương, đóng bảo hiểm… thì họ làm có trách nhiệm, hiểu quả hơn. Cty luôn tự hào mô hình quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi của mình và ra sức phấn đấu vì nông dân, vì nền nông nghiệp tỉnh nhà”.
Ông Nguyễn Quốc Quân, GĐ Cty cho biết: “Mô hình Cty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thí điểm từ năm 2007. Đến 2010 thì đồng bộ bộ máy quản lý. Từ đó các xí nghiệp, các trạm bơm cùng chung một hệ thống, phối hợp hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả…
Trước kia, giao hết cho các hợp tác xã thủy lợi, quản lý, trách nhiệm, hiệu quả không cao, thất thoát, lãng phí nhiều. Từ khi Cty quản lý, người dân không còn quan tâm đến nước thiếu, nước thừa, ngập úng nữa, cứ an tâm sản xuất thôi.
Dân không mất phí thủy lợi, chất lượng công trình thủy lợi được đảm bảo, sản xuất luôn được mùa, năng suất cao. Từ mô hình này, một số tỉnh, thành trong cả nước đã đến tham quan, học tập chúng tôi”.
theo Nông nghiệp