Liên kết cánh đồng lớn

Sau 3 năm tỉnh Bình Định triển khai cánh đồng mẫu lớn (CĐML) cho thấy quy mô phát triển và hiệu quả kinh tế ngày càng tăng trưởng. 

Liên kết cánh đồng lớn
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm CĐML tại xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định)

Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm của CĐML vẫn còn đang là vấn đề đáng lo.

Giảm chi, tăng thu

Từ năm 2012 đến nay, Bình Định đã dồn nỗ lực triển khai xây dựng những CĐML nhằm nâng cao hiệu quả SX, từng bước đưa tiến bộ KHKT đến với nông dân thông qua mô hình.

Riêng năm 2014, Bình Định đã xây dựng được 233 CĐML với diện tích hơn 9.726 ha, hơn 58.000 hộ nông dân tham gia, trong đó có 221 CĐML SX cây lúa. Các CĐML hầu hết đều áp dụng hiệu quả chương trình “3 giảm 3 tăng”, góp phần làm giảm chi phí đầu vào.

Mật độ gieo sạ được cải thiện rõ rệt, chỉ còn từ 4 - 6 kg đối với giống lúa thuần và từ 2 - 2,5 kg với giống lúa lai. Đặc biệt, trong vụ ĐX 2013 - 2014, hầu hết các CĐML trên địa bàn tỉnh này rất ít sử dụng thuốc BVTV, giảm ít nhất 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm ít nhất 50.000 đ/sào, tương đương 1 triệu đ/ha/vụ.

Hầu hết các CĐML SX lúa đều đạt được tiêu chí quan trọng là giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV… năng suất lại tăng vượt trội.

Đơn cử, vụ ĐX 2013-2014, năng suất lúa bình quân tại CĐML ở Bình Định đạt 77,45 tạ/ha, cá biệt có nhiều vùng lúa đạt năng suất đến 100 tạ/ha như ở xã Phước Hưng (Tuy Phước), trong khi đó ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 72 tạ/ha. Vụ HT 2014 năng suất lúa bình quân ở CĐML đạt 68,7 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 4,5 tạ/ha.

“Mật độ gieo sạ hợp lý, bón phân cân đối, phòng trừ dịch bệnh theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, không lạm dụng thuốc BVTV nên thiên địch tăng lên, do đó khống chế được dịch bệnh trên cây lúa”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định nói.

Qua tính toán, SX cây lúa trong CĐML, nông dân đạt lợi nhuận trung bình gần 23,7 triệu đ/ha, tăng gần 3,8 triệu đ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Như vậy, với diện tích trên 9.268 ha SX lúa trong mô hình CĐML ở Bình Định, nông dân có lợi nhuận tăng thêm là hơn 34,8 tỷ đồng.

Tiến tới mô hình liên kết

Trong số 233 CĐML ở Bình Định, chỉ có 29 CĐML với diện tích 1.315 ha (7.126 hộ tham gia) SX lúa giống, mía, bắp… liên kết với các DN và được bao tiêu sản phẩm, số còn lại phải tự tìm đầu ra và luôn gặp khó.

Chính vì thế, lãnh đạo và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định không ngừng tăng cường công tác kết nối các DN vào đầu tư tại các CĐML bao tiêu luôn sản phẩm nhằm tạo sự yên tâm cho nông dân thông qua mô hình liên kết.

Tại hội nghị sơ kết CĐML năm 2014 vừa diễn ra, Bình Định đã mời rất nhiều DN về tham dự để bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hội nghị này đã làm “vỡ” ra nhiều vấn đề cần được Bình Định hỗ trợ để các DN thuận lợi hơn trong việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Bùi Duy Hậu, cán bộ phụ trách Chi nhánh Bình Định của Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) cho biết: “Riêng trong năm 2014, TSC đã tổ chức SX bà bao tiêu cho nông dân huyện Tuy Phước và TX An Nhơn 4.800 tấn lúa giống.

14-16-14_2
Cty VTNN Nghệ An thu mua lúa giống VTNA2 tại HTXNN Phước Sơn (Tuy Phước-Bình Định)

 Kế hoạch sang năm 2015 sẽ tăng thu mua lên 5.500 tấn, do đó sẽ mở rộng SX cánh đồng lúa giống ra huyện Hoài Nhơn. Vì đặc thù của đơn vị là thu mua lúa giống khô, trong khi có rất nhiều địa phương muốn liên kết làm ăn với DN nhưng lại không có sân phơi nên không thể thực hiện”.

“Chúng tôi cam kết tạo điều kiện hết mức để các địa phương có liên kết với các DNSX giống lúa, những DN bao tiêu nông sản xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ SX, xây dựng cơ sở chế biến, nhà kho để việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân thuận lợi hơn”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ông Phạm Bá Thanh, GĐ Chi nhánh Bình Định của Cty CP TCty Vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết: “Cty chúng tôi vào Bình Định tổ chức SX lúa giống đã nhiều năm nay tại 2 địa bàn xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và xã Phước Sơn (Tuy Phước). SX thì đã rất ổn định, tuy nhiên khâu vận chuyển lúa giống về Nghệ An bằng đường bộ có chi phí quá đắt.

Muốn chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy tại Cảng Quy Nhơn cần phải có nhà kho. Chúng tôi đề nghị Bình Định tạo điều kiện để chúng tôi liên kết với HTXNN Phước Sơn xây dựng cơ sở sơ chế và nhà kho tại HTX này để thuận lợi hơn khi vận chuyển sản phẩm về cảng Quy Nhơn”.

Ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ  cho biết: “Vụ HT 2015 tới viện sẽ xây dựng CĐML cây ngô trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Phù Mỹ với diện tích 30 ha với mô hình SX theo chuỗi. Chúng tôi sẽ đưa giống ngô mới, năng suất chất lượng cao vào SX.

Quy trình canh tác cũng được đổi mới, không trồng hàng đơn mà trồng hàng đôi. Mật độ tăng nhưng năng suất vẫn đảm bảo, việc chăm sóc được thuận lợi hơn. Tiến tới cơ giới hóa việc lên luống và gieo hạt, bởi những công đoạn này làm thủ công có chi phí rất cao. Chúng tôi sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi”.

Cũng với cây ngô, ông Lê Anh Kiệt, GĐ Cty Anh Kiệt đóng trên địa bàn TX An Nhơn chuyên thu mua ngô cung ứng cho các NM chế biến TĂCN góp ý: “Bình Định cần bố trí lịch SX đối với cây ngô như thế nào để mùa thu hoạch rơi vào từ tháng 1 đến tháng 7 hằng năm thì sẽ đảm bảo bán được giá cao, bởi thời gian này ngô của tỉnh Gia Lai chưa thu hoạch”.

Đi sâu về mô hình liên kết, bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định cho rằng: "Muốn thực hiện mô hình liên kết với các DN thì phải củng cố hoạt động các HTXNN. Nếu địa phương nào HTXNN hoạt động yếu thì không DN nào dám “nhào vô” đầu tư làm ăn. HTXNN phải đóng vai trò đại lý cấp 1, chịu trách nhiệm trực tiếp với các DN thì họ mới yên tâm đầu tư vào CĐML'.

Theo Nongnghiep.vn