Liên kết chuyển đổi..
- Thứ ba - 17/03/2015 04:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân tham quan mô hình trồng bắp giống ở huyện Cầu Ngang, Trà Vinh.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Trung tâm KN các tỉnh ĐBSCL, cán bộ kỹ thuật của các DN và 300 nông dân. Tăng hiệu quả SX Xen giữa vùng đất lúa ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) là cả cánh đồng bắp xanh rì đang cho trái. Đã từng canh tác thành công 5 vụ trồng bắp giống, bà con người Khmer ở đây cho biết, vụ ĐX 2014-2015 toàn xã có 51 ha trồng bắp vàng lai, bắp nếp làm giống theo hợp liên kết với Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC). Mấy vụ trước đây năng suất giống bắp vàng lai bình quân 5,5 - 6 tấn/ha. Vụ ĐX này trồng bắp lai vàng (mã số SSC03) làm giống, có hộ đã đạt 6,5 tấn/ha. Với giá bán 8.300 đ/kg, doanh thu đạt gần 54 triệu đ/ha, sau khi trừ chi phí SX khoảng 23 triệu đ/ha, lãi 31 triệu đ/ha. Đúng là “chắc ăn như bắp”. Nông dân Lê Ngọc Thơ ở thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) đến tận ruộng để “tai nghe, mắt thấy” SX bắp giống. Ông Thơ có kinh nghiệm trồng bắp lai thương phẩm trên thửa ruộng 1,1 ha của mình, luân canh 2 vụ bắp - 1 vụ lúa. "Bắp lai thương phẩm đạt năng suất hạt 1 - 1,1 tấn/công (1.000 m2/công), giá bán 4.500 đ/kg, tổng thu trên 5,8 triệu đ/công, trừ chi phí SX hơn 2,1 triệu đ, lãi thu được khoảng 3,7 triệu đ/công vẫn cao hơn 1,9 - 2,1 triệu đ so với trồng lúa (mức lãi khoảng 1,8 - 2 triệu đ/công), ông Thơ tính toán. Ông Trần Trung Hiền, GĐ Sở NN-PTNT Trà Vinh nói: "Trà Vinh có hơn 97.400 ha đất trồng lúa, trong đó 10.000 ha đất cát giồng SX lúa hiệu quả không cao nhưng có lợi thế chuyển sang trồng rau màu các loại. Vụ HT và TĐ 2014, Trà Vinh chuyển đổi trên 1.700 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp (233 ha), rau các loại (1.000 ha), đậu phộng (270 ha), dưa hấu (220 ha)... Các mô hình chuyển đổi cho nông dân lợi nhuận 16 - 18 triệu đ/ha, cao hơn gấp 1,5 lần so trồng lúa. Đặc biệt, một số mô hình trồng bắp, đậu phộng có DN liên kết SX, tiêu thụ cho thu nhập cao gấp 2 lần, khoảng 22 - 25 triệu đ/ha. Năm 2015 Trà Vinh sẽ chuyển đổi 7.200 ha, ngay vụ ĐX này đã chuyển đổi hơn 1.200 ha". Theo Trung tâm KNQG, cả nước đã chuyển 260.000 ha đất lúa sang trồng màu. Riêng ĐBSCL là 112.000 ha, trong đó trồng bắp 30.000 ha, đậu tương 8.000 ha, vừng lạc 11.000 ha, rau hoa 27.000 ha, cây thức ăn chăn nuôi 6.000 ha, cây khác 8.000 ha, kết hợp nuôi thủy sản 22.000 ha. Thúc đẩy chuyển đổi Tại diễn đàn đã có nhiều ý kiến của nông dân đặt ra trong quá trình chuyển đổi như: "Trồng bắp trên đất từng trồng ớt được không?"; "Cách chăm sóc bắp trong từng giai đoạn SX?", "Trồng bắp trong mùa mưa, canh tác vụ HT cần “gói” kỹ thuật hướng dẫn sử dụng phân bón thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ ra sao?"; "Khi thu hoạch có máy nào tách hạt phù hợp?". Đặc biệt đa số nông dân mong muốn liên kết mở rộng SX khi có các DN ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG ghi nhận ý kiến của bà con. Chuyên gia cũng đã tư vấn kỹ thuật, giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần có cơ chế khuyến khích thu hút DN đầu tư liên kết SX. Tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều bộ giống cây trồng, máy móc cải tiến nhằm đáp ứng chuyển đổi. "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là chủ trương lớn của Chính phủ. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ quy định phải giữ ổn định 3,8 triệu ha đất canh tác lúa, đặc biệt là 3,2 triệu ha đất lúa 2 vụ trở lên. Tuy nhiên chuyển đất lúa sang trồng cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn cần linh hoạt, không làm biến dạng mặt bằng để khi cần thiết vẫn có thể gieo trồng lúa. Hiện nay tình hình dự báo xuất khẩu lúa gạo chưa có nhiều khả quan, thu nhập nông dân trồng lúa chưa được như mong đợi. Trong khi ngành SX thức ăn chăn nuôi hằng năm phải nhập khẩu 2 - 3 triệu tấn bắp hạt, 2 triệu tấn khô đậu nành, 600.000 tấn đậu tương… Trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng phức tạp một số tỉnh đang tìm cách chuyển đổi sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và liên kết SX, tiêu thụ cho nông dân là hướng đi đúng", ông Thông nhấn mạnh.
NongNghiep.vn