Liên kết độc đáo ở Công ty chè Mỹ Lâm: Nông dân không mất đất, được trả lương.
- Thứ năm - 20/10/2016 04:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 8/2015, chúng tôi tìm hiểu và thán phục cách thức tổ chức sản xuất chè mang nhãn hiệu quốc tế RainForest Alliance (nhãn hiệu logo là con ếch xanh) tại Cty CP Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang). Những rào cản tích tụ ở miền núi khiến mong muốn đó chưa thực hiện được.
Ảnh 1: Thăm Cty Chè Mỹ Lâm, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình sản xuất tại đây.
Dù vậy, khi chia tay, lãnh đạo Cty cứ trăn trở về một mô hình SX tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ từ các đơn đặt hàng khắp năm châu. Những rào cản tích tụ ở miền núi khiến mong muốn đó chưa thực hiện được. Hơn một năm sau, quay lại nơi đây, chúng tôi đặc biệt ngỡ ngàng về việc thay đổi quan hệ sản xuất mới tại Mỹ Lâm.
Cái khó ló cái khôn
Ông Lê Quang Chuyền, Phó giám đốc Cty Chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết, mô hình sản xuất phổ biến của các nông trường chè, HTX hiện nay thể hiện rõ sự khập khiễng và không phù hợp giữa các yếu tố. Cụ thể là lãnh đạo các doanh nghiệp chưa khẳng định được vai trò điều hành lực lượng sản xuất, dẫn đến tư liệu sản xuất chưa phát huy hết hiệu quả. Ngay tại Cty Chè Mỹ Lâm, mặc dù là doanh nghiệp chè Việt Nam đầu tiên thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, áp dụng truy nguyên nguồn gốc và là thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các khách hàng lớn nhất thế giới song mô hình vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Chuyền, đổi mới là để loại bỏ được hình thức sản xuất manh mún, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các bên. Tuy nhiên, cái gọi là manh mún vốn dĩ đã tồn tại và trở thành truyền thống. Trong khi đó, mong muốn cuối cùng của doanh nghiệp, của nhà đầu tư không phải là cần đất mà là cần sản phẩm nông nghiệp. Vậy thì tại sao cứ phải chọn phương án tích tụ cơ học là bồi thường, giải phóng mặt bằng, phát sinh chi phí cực lớn. Nên chăng là áp dụng một mô hình sản xuất mới mang tính bền vững nhưng vẫn thu về sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Ảnh 2: Công nhân phun thuốc BVTV tại Cty Chè Mỹ Lâm được trang bị bảo hộ như bộ đội phòng hóa
Theo cấu trúc về quan hệ sản xuất cũ mà Cty Chè Mỹ Lâm thực hiện thì nhà máy và các hộ nhận khoán liên kết với nhau thông qua hợp đồng khoán sản phẩm, tức là mua bán sản phẩm chè búp tươi. Mô hình liên tục làm nảy sinh những mâu thuẫn lợi ích, làm hạn chế việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thậm chí, đã phát lộ những dấu hiệu, nguy cơ về thực hành sản xuất nông nghiệp tiêu cực.
Tích tụ mềm
Với mô hình, cấu trúc mới thì nhà máy và hộ nhận khoán liên kết theo cách tập trung và hưởng lương dựa trên việc phân công công việc hợp lý và gắn kết vì lợi ích chung mang tính bền vững. Cần tránh sự nhầm lẫn giữa đổi mới sắp xếp lại quan hệ sản xuất với việc doanh nghiệp thuê lại vườn chè của nhân dân hoặc trở lại mô hình nông trường thời bao cấp. Ở đây, người nông dân đóng vai trò là một chủ thể quan trọng trong mối quan hệ sản xuất với doanh nghiệp trên cơ sở phân công lao động một cách hợp lý dựa vào thế mạnh và phát huy hết tiềm năng của mỗi bên. Người nông dân vẫn là chủ thể trực tiếp quản lý và hưởng thành quả lao động của mình. Theo đó, mô hình mới hình thành nên các đội sản xuất. Đội trưởng là người do Cty cử, chịu trách nhiệm điều hành chung kiêm giao nhận sản phẩm. Đội phó do các hộ nhận khoán bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát sâu bệnh, kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư và ghi chép sản lượng. Trong đội, có các tổ dịch vụ về bảo vệ thực vật (3 người), tổ đốn và thu hái chè (5 người), tổ bón phân (5 người). Thành viên của các tổ dịch vụ được Cty trả lương. Về các hộ nhận khoán, Cty bố trí các phần công việc cụ thể gồm: làm phân hữu cơ, làm cỏ bằng tay, xới và lấp sau khi bón phân, phục vụ nước phun thuốc, trồng hàng rào thực vật, thảm thực vật để chống xói mòn, tránh phơi nhiễm và bảo vệ môi trường, trồng cây bóng mát, bảo vệ vườn chè, đóng chè vào túi lưới, ký phiếu nghiệm thu cho tổ dịch vụ thực hiện công việc trên vườn chè của mình. Toàn bộ vật tư nông nghiệp, sản xuất và chi trả lương cho tổ dịch vụ do Cty đầu tư. Hộ nhận khoán với các phần công việc của mình cũng hưởng lương tháng theo lứa hái trên cơ sở phân loại sản lượng vườn chè và mức độ hoàn thành công việc được phân công. Mức lương được thống nhất từ đầu năm trên cơ sở kế hoạch kinh doanh và thị trường của Cty. 100% sản phẩm thu hái được chuyển về nhà máy, không phát sinh quan hệ mua bán. Dễ nhận thấy, cách làm trên đòi hỏi tất cả các bộ phận, mắt xích của dây chuyền sản xuất đều phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để hưởng lương. Người nông dân không còn lo lắng về thiên tai, địch họa vì rủi ro do thời tiết, hạn chế năng suất, sản lượng đều do Cty chịu trách nhiệm.
Hiệu quả bất ngờ
Ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc Cty Chè Mỹ Lâm cho biết, cách thức tổ chức sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Thay đổi quan hệ trong sản xuất nông nghiệp chứ không phải chạy theo việc thay cơ cấu cây trồng vật nuôi, kiểu mấy cây, mấy con. Mô hình mới được áp dụng từ đầu năm 2016 có quy mô 2 tổ sản xuất, gồm 90 hộ nhận khoán với diện tích 40ha chè.
Ảnh 3: Mô hình sản xuất mới cân bằng được lợi ích giữa các bên và đảm bảo sự phát triển bền vững
Bà Nguyễn Thị Mai ở đội 13 cho biết, cách làm mới đã làm tăng thu nhập của người dân trồng chè lên 30 - 40%. Trong khi, những người dân làm ngoài lại giảm 20% thu nhập. Người nông dân không phải bỏ chi phí đầu tư, đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo ổn định, không lo rủi ro trong nông nghiệp. Sức khỏe của nông dân được đảm bảo. Với mỗi tháng bình quân chỉ làm 8 - 10 công/ha thì chúng tôi lại có thời gian để làm các công việc kinh tế khác. Về phía Cty, Giám đốc Trần Văn Quý cho biết, sản phẩm chè của mô hình sản xuất mới thu về vượt trội về chất lượng, ước tăng khoảng 30% ngoại hình và nội chất do búp chè đủ dinh dưỡng. Đánh giá, mô hình mới cũng giảm chi phí thu hái 25%, 40% chi phí thuốc trừ sâu mà lại nâng sản lượng lên 10%. Hơn tất cả, cách làm mới đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm, qua đó đảm bảo tăng giá sản phẩm, giữ gìn uy tín và thương hiệu. Mô hình này cũng xây dựng được tính minh bạch và cơ chế giám sát tập thể, cho phép ứng dụng khoa học công nghệ; cân bằng lợi ích xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường, người dân vẫn là chủ sở hữu của tư liệu sản xuất.
Cơ chế mới, hiệu quả tức thì
Ông Lê Quang Chuyền, Phó Giám đốc Cty Chè Mỹ Lâm được coi là kiến trúc sư của mô hình sản xuất mới đang chạy thử nghiệm tại đơn vị. Ông Chuyền khẳng định, đến nay, cơ chế sản xuất mới tại Mỹ Lâm là đầu tiên và duy nhất của nước ta, nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đến thăm và đánh giá tốt. Không còn nghi ngờ gì nữa, mối liên kết sản xuất mới đang cho thấy hiệu quả tức thì. Gần 900 hộ nhận khoán, sở hữu hơn 400ha chè thuộc Cty đang đề nghị cho áp dụng cơ chế mới ngay lập tức trong năm 2017. Tuy nhiên, vì cơ chế mới, lại đi lên từ cơ sở nên Cty đã đưa ra lộ trình sẽ áp dụng cho 200ha chè trong năm 2017 và tiến tới áp dụng chạy mô hình trên 100% diện tích vào 2018. Ông Chuyền bộc bạch, việc thay đổi quan hệ sản xuất của công ty đảm bảo hiệu quả đã và sẽ gợi mở cho chính đơn vị tìm đến những địa bàn khác để tiếp tục tích tụ “mềm”. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp không thể làm việc với từng hộ dân. Do vậy, mong muốn và đề xuất của đơn vị là các cấp chính quyền địa phương cần chủ động tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện thành lập tổ nhóm sản xuất, vận hành theo cơ chế trên. Trên cơ sở bảo lãnh và giám sát, chính quyền sẽ giới thiệu, chào hàng với doanh nghiệp để liên kết sản xuất.
"Vì được hưởng lương chắc chắn hàng tháng nên năng suất lao động của chính người nông dân đã tăng lên gấp đôi. Hơn thế, sản lượng vườn chè cũng tăng cao do đầu tư, chăm sóc đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, phía Cty đã có các đội dịch vụ chuyên nghiệp nên các hộ nhận khoán cũng không phải đầu tư mỗi nhà một bộ máy móc, thiết bị dụng cụ nông nghiệp sản xuất chè nữa." - Bà Trần Thị Sen - đội 17 Kim Phú.
Đồng Văn Thưởng
Nguồn: NNVN