Liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP, đỡ lo đầu ra, thu nhập tăng

Liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP, đỡ lo đầu ra, thu nhập tăng
Hơn 200ha sầu riêng trên địa bàn xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc đã được tỉnh Đồng Nai chọn triển khai dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

16-45-37_1
Nhà vườn tham gia liên kết phát triển sầu riêng VietGAP

Đến nay đã có gần 60ha được chứng nhận VietGAP.

Là người tiên phong SX sầu riêng sạch, ông Nguyễn Văn Quỳnh, thành viên HTX Xuân Định chia sẻ: “Từ cuối năm 2009, xã Xuân Định đã hình thành Câu lạc bộ sầu riêng. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình SX an toàn. Khi được chọn thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết SX gắn với tiêu thụ sản phẩm, bà con mừng lắm...”.

Hộ ông Nguyễn Văn Tân ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Định, những năm trước trên diện tích đất 3ha chỉ độc canh cây chôm chôm nhưng năng suất thấp, giá cả lên xuống thất thường, hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2014, sau khi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông Tân đã quyết định áp dụng mô hình trồng xen canh sầu riêng, măng cụt và cây bơ. Bên cạnh đó ông còn đầu tư trồng sầu riêng giống mới và mấy chục gốc bơ. Nhờ áp dụng KHKT vào SX, sử dụng hệ thống tưới tự động riêng cho từng loại cây, trên 3ha vườn trồng xen canh đã cho gia đình ông thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Gần đó, hộ ông Phạm Ngọc Minh, ấp Bảo Thị cũng canh tác gần 1ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Cách đây 3 năm gia đình ông quyết định cải tạo vườn tạp để trồng sầu riêng giống Ri6. Đến nay bắt đầu cho trái bói. “Cây sầu riêng nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 3 năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt, nếu được sản xuất theo quy trình sạch thì giá bán cũng được nâng lên”, ông Minh nói.

16-45-37_2
Đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm
Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 30% chi phí vật tư nông nghiệp. Đầu năm 2018, HTX đã cho thành lập Tổ dịch vụ VTNN nhằm cung cấp phân bón, thuốc chuẩn giá và chất lượng cho bà con, thậm chí rẻ hơn thị trường. HTX cũng sẽ đứng ra thu mua sầu riêng của xã viên với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Theo các xã viên của HTX, áp dụng quy trình SX theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học thay phân hóa học; đồng thời chủ động liên kết tạo thành vùng SX lớn. Tham gia HTX để cùng chia sẻ hỗ trợ nhau các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để không tồn dư thuốc BVTV… Nhờ áp dụng các TBKT vào SX, vườn sầu riêng trong vùng liên kết đang sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.

Theo UBND xã Xuân Định, đến nay 99% diện tích sầu riêng trên địa bàn xã được trồng bằng các giống mới Ri6, Thái Lan, Chín Hóa… Trong đó, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí, công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái.

Hiện tổng diện tích cây sầu riêng của xã Xuân Định khoảng 220ha; năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha; sau khi trừ các khoản chi phí nông dân lãi 300 - 400 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, bên cạnh hướng dẫn SX theo quy trình VietGAP, HTX Xuân Định đã phối hợp với Trạm BVTV mở các lớp hướng dẫn bà con ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định cho biết: “Đến nay tổng diện tích sầu riêng của HTX đã được chứng nhận VietGAP với 56,5ha của 34 hộ nông dân tham gia dự án. Tin vui cho nông dân của HTX khi vài ngày tới có hai DN ở TP.HCM và ĐBSCL sẽ ký trực tiếp hợp đồng thu mua chôm và sầu riêng, trong đó sầu riêng Monthon có giá từ 70.000 - 120.000 đồng/kg”.

16-45-37_3
Thu hoạch sầu riêng

Dự án cánh đồng lớn liên kết SX gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng VietGAP tại xã Xuân Định được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại QĐ số 2919 ngày 12/9/2016 với tổng diện tích SX đến cuối kỳ dự án là 120ha và thực hiện trong giai đoạn 7 năm (từ năm 2017 - 2023).

Đồng Nai đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình liên kết SX an toàn theo chuẩn thị trường xuất khẩu với nhiều loại trái cây, giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế SX bền vững.

Theo Minh Sáng - Phú Lộc.vn